Việt Nam sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo mỗi năm sang Bangladesh

Minh Hằng|24/05/2017 03:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, VN sẽ cung cấp cho Bangladesh 1 triệu tấn gạo các loại.

Việt Nam sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo sang Bangladesh, Ảnh VGP

Chiều ngày 23/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam thay mặt Chính phủ Bangladesh đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Bangladesh.

MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (từ năm 2017 đến năm 2022). Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn. Hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.

Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo việc phía Bangladesh mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía nước bạn chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang Bangladesh trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng… về đơn hàng nêu trên.

Đồng thời, phía Bangladesh cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc ký kết MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ lần này là dấu ấn quan trọng trong quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Bangladesh, giúp tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc ký MOU này sẽ tiếp tục duy trì khung pháp lý ổn định lâu dài về thương mại gạo giữa hai nước. Qua đó, Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh lương thực cho Bangladesh trong bối cảnh phía bạn đang gặp khó khăn trong nước.

 Minh Hằng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo mỗi năm sang Bangladesh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.