Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn thành Dự án Xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng

Hồng Sơn|08/11/2018 04:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại buổi lễ ký kết 13,7 ha đất sạch đã xử lý tại sân bay Quốc tế  Đà Nẵng được bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Đây là phần đất bàn giao đợt ba và cũng là phần đất cuối cùng được bàn giao để phục vụ cho việc mở rộng sân bay Đà Nẵng. Buổi lễ cũng đánh dấu việc hoàn thành Dự án Xử lý Môi trường Ô nhiễm Dioxin tại sân bay Đà Nẵng kéo dài 6 năm với kinh phí 110 triệu đô la do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ( USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện.

– Ngày 7.11, tại  Đà Nẵng đã diễn ra buổi lễ công bố hoàn thành và bàn giao đất Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế  Đà Nẵng. Đến tham sự buổi lễ ký kết bàn giao dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng có đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Danie J. Kritenbrink và Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh.

>>>Việt Nam – Hoa Kỳ phối hợp xử lý 90 nghìn khối đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng

Ký kết bàn giao đất giữa USAID, Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam

Bắt đầu triển khai từ tháng 8/2012, Dự án Xử lý Môi trường Ô nhiễm Dioxin tại  sân bay Đà Nẵng do USAID tài trợ được coi là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai Chính phủ và giúp cải thiện môi trường sạch và an toàn hơn cho người dân Đà Nẵng. Dự án đã xử lý thành công hơn 90.000 mét khối đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 mét khối đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp. USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý để khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý Giai đoạn 1 có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và Giai đoạn 2 có nồng độ còn thấp hơn nữa (< 1 ppt), tức là vượt các mục tiêu đã đề ra của dự án. Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng rằng những nỗ lực hợp tác thành công với Quân chủng  Phòng không – Không Quân Việt Nam đã giúp có thêm hơn 30 ha đất phục vụ việc mở rộng Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực”.

Đoàn đại biểu hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm tại khu vực đặt bia ghi nhớ ở sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Đại sứ Kritenbrink phát biểu: “ Ngày hôm nay chúng ta chúc mừng cho một thành tựu mang tính lịch sử khi hai quốc gia từng đối đầu nay cùng nhau vượt qua quá khứ và hợp tác hướng tới một tương lai thịnh vượng chung. Trong hơn 6 năm qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ quốc phòng Việt Nam để giúp thành phố Đà Nẵng và đất nước Việt Nam an toàn hơn. Và giờ đây, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục mối quan hệ hợp tác này tại Biên Hòa”.

Ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam phát biểu: “Mặc dù dự án  Xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục theo dõi và quan trắc để kiểm tra những tác động về môi trường của dự án.”

Khu đất được bàn giao sau khi được xử lý nhiễm độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Chính phủ Hoa Kỳ cam kết sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam giải quyết những di sản chiến tranh, đồng thời tiếp tục tăng cường mối quan hệ an ninh quốc phòng, kinh tế và văn hóa giữa hai nước. Khu vực sân bay Biên Hòa là một điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Ngày 11/5, USAID đã ký thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến là 183 triệu đô la để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại khu vực sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu. Việc ký kết bản Thỏa thuận chung là bước đi đầu tiên trong dự án quan trọng này.

Từ năm 2000, Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam giải quyết những vấn đề về nhân đạo và khắc phục các di sản chiến tranh. Các hoạt động này bao gồm hoạt động tháo gỡ bom, mìn, vật nổ, tìm kiếm hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh và xử lý ô nhiễm dioxin.

Hồng Sơn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn thành Dự án Xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.