Vịnh Hạ Long bị rác bủa vây sau bão, nguy cơ ảnh hưởng môi trường
Sau cơn bão số 3, vịnh Hạ Long đang đối diện với nhiều vấn đề, một trong số đó là lượng rác thải khổng lồ từ nghề nuôi trên biển.
Cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) vừa qua đã khiến nhiều tỉnh thành tại miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề, một trong số đó là Quảng Ninh. Bên cạnh các thiệt hại về người và của, tỉnh Quảng Ninh còn đang đối diện với vấn đề lớn là lượng rác thải khổng lồ tại vịnh Hạ Long.
Cụ thể, sau khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ, lượng rác khổng lồ đã trôi dạt vào vịnh Hạ Long. Lượng rác này chủ yếu từ nghề nuôi trên biển của nhiều địa phương như huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) và huyện Cát Hải (Hải Phòng). Sau khi bị bão số 3 càn quét, phế liệu, bè nuôi trồng thủy sản cũng như các dụng cụ dùng phục vụ nuôi trồng thủy sản của ngư dân theo dòng nước đẩy sang vịnh Hạ Long.
Đáng chú ý, hàng nghìn quả phao xốp bị đánh vỡ đã tạo ra vi nhựa đầy trên mặt biển, trở thành mối lo ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Do vịnh Hạ Long sở hữu hàng nghìn đảo đá nên lượng rác thải chủ yếu mắc ở chân bờ cát, núi đá. Phần rác còn lại trôi nổi trên biển, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường mà còn gây cản trở lưu thông tàu, thuyền.
Để khắc phục sự cố trên, UBND tỉnh Quảng Ninh giao BQL vịnh Hạ Long mời Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cử chuyên gia hỗ trợ thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá hiện trạng về giá trị địa chất - địa mạo và giá trị đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, tư vấn giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của vịnh.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hạ Long huy động khoảng 20 000 người tham gia dọn vệ sinh trên vịnh và bờ biển. BQL vịnh Hạ Long huy động 2000 nhân lực là lãnh đạo, cán bộ nhân viên đơn vị cùng tham gia thu gom rác, bên cạnh lực lượng sẵn có gồm 20 tàu, thuyền và 1000 người thu gom bằng phương pháp thủ công.
BQL vịnh Hạ Long cũng đề nghị các địa phương lân cận tăng cường công tác xử lý, thu gom, không để rác sau bão phát tán trên biển; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách quản lý Di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (Hải Phòng); trong đó, tập trung công tác quản lý các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát, thu gom và xử lý các nguồn rác thải phát sinh.