Vĩnh Phúc: Chủ động các phương án, kịp thời ứng phó với thiên tai

Quang Anh|15/08/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án ứng phó kịp thời với mọi tình huống của thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

Để chủ động trước mọi tình huống do mưa lớn có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời tới người dân; sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời khi có các tình huống thiên tai.

Tại các tràn thường xuyên bị ngập sâu, chảy xiết gây nguy hiểm như tràn Km 8+700 ĐT 302B (Bình Xuyên), tràn Công Nông Binh trên ĐT.310C (Tam Đảo), tràn Km12+600 trên ĐT.301 (Phúc Yên) Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các Đội cảnh sát giao thông các huyện và chính quyền địa phương tổ chức rào chắn, cảnh báo, trực gác phân luồng để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

vinh-phuc.jpg
Huyện Vĩnh Tường tổ chức diễn tập PCTT&TKCN năm 2023.

Để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, TKCN trong mùa mưa bão năm 2023 và những năm tiếp theo, vừa qua, huyện Vĩnh Tường đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn luyện tập, diễn tập ứng phó với bão lụt, TKCN và được đánh giá đạt kết quả xuất sắc.

Điều này khẳng định sự chủ động, nâng cao khả năng hiệp đồng trong công tác phòng, chống các hiểm họa do thiên tai trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác ứng phó với bão lụt và TKCN.

Trong vòng 15 năm qua, Vĩnh Phúc đã phải chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: Hoàn lưu bão, ngập lụt nội đồng, hạn hán, lốc, sét, rét đậm, rét hại. Trong đó, có các loại hình thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng như: Không khí lạnh gây mưa lớn, ngập úng cuối tháng 10/2008; bão gây mưa lớn, ngập úng nội đồng các năm 2012, 2013, 2016, 2017, 2022; giông lốc làm sập xưởng gỗ; đặc biệt đợt mưa lớn lịch sử, trái mùa cuối tháng 5/2022, gây tổng thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng.

Dự báo năm 2023, thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai, bão lũ có thể xảy ra với những ẩn họa khôn lường. Để chủ động các phương án, kịp thời ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hiệp đồng giữa các lực lượng, bổ sung vật tư, trang thiết bị, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng phòng, chống thiên tai; mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo trong công tác PCTT &TKCN trên địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng tăng cường các biện pháp, phương thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm ứng phó và cách phòng tránh đảm bảo thông tin phù hợp, đến được cơ sở, người dân.

Tổ chức tập huấn, diễn tập về ứng phó lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, diễn tập ứng phó cháy rừng và bảo vệ rừng. Năm 2022, tỉnh đã đầu tư nâng cấp các công trình PCTT với tổng kinh phí trên 750 tỷ đồng. Hiện nay, 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng lực lượng xung kích trên 11.000 người tham gia, đây là lực lượng quan trọng để ứng phó giờ đầu khi có sự cố thiên tai tại cơ sở.

Sáu tháng đầu năm 2023, thiên tai chưa gây ảnh hưởng nhiều đến địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trận mưa dông kèm theo lốc, sét, gió giật ngày 8/5/2023 đã gây một số thiệt hại về nhà ở, hoa màu tại huyện Tam Đảo và Bình Xuyên, ước thiệt hại khoảng 1,87 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Chủ động các phương án, kịp thời ứng phó với thiên tai