Vĩnh Phúc chủ động các giải pháp chống ngập úng trong mùa mưa bão

Hoàng Linh|11/07/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để chủ động ứng phó với mưa bão, giảm thiểu thấp nhất mọi thiệt hại, các sở, ngành, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống ngập úng, nhất là ngập úng cục bộ khi có mưa lớn xảy ra.

Sau trận mưa lớn giữa tháng 6/2023, nhiều đoạn đường trên địa bàn thành thành phố Vĩnh Yên ngập úng cục bộ như Go! Vĩnh Phúc (BigC), khu vực đăng kiểm, nút giao ngã 5 nhà thi đấu và trong đường Lạc Long Quân (trước Sở Giáo dục và Đào tạo).

Đợt mưa lớn lịch sử (từ 22 - 24/5/2022) cũng khiến nhiều tuyến đường chính của thành phố Vĩnh Yên như đường trục Quốc lộ 2 đoạn qua thành phố Vĩnh Yên, đường Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tất Thành, khu vực đường Chu Văn An, đường Bà Triệu giao với các đường Dương Tĩnh, Tuệ Tĩnh thuộc phường Liên Bảo..., nước ngập sâu từ 50 - 70cm. Mưa lớn khiến nước rút không kịp, ùn ứ tràn vào nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm hư hỏng đồ đạc.

Trước những bất cập trên, UBND thành phố Vĩnh Yên đã chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng bám sát địa bàn, kiểm tra, rà soát toàn bộ các ao, hồ, đầm, công trình thủy lợi, các tuyến phố ngập úng để thông tin kịp thời.

chong-ngap-ung.jpg
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Ảnh:Thế Hùng

Đồng thời, địa phương cũng tổ chức nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy, các tuyến kênh mương, cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; giải tỏa vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, vệ sinh vớt rác tại các cửa thu nước trên mặt đường, nhất là trong lúc mưa lớn.

Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình xây dựng, công trình nhà ở tự xây có ảnh hưởng đến thoát nước trên địa bàn phải có biện pháp đảm bảo thoát nước trong quá trình thi công.

Hiện, thành phố Vĩnh Yên đang triển khai các dự án chống ngập úng như xử lý ngập úng khu vực chùa Hà Tiên, 3 Tổ dân phố trên địa bàn phường Đồng Tâm; dự án nạo vét các hồ, đầm để tăng lưu lượng trữ nước và cải tạo, chỉnh trang đô thị; trong đó, cải tạo, bổ sung thêm các hệ thống rãnh thoát nước đã cũ, không đảm bảo.

Phối hợp cùng các sở, ban, ngành triển khai các dự án như xử lý ngập úng 3 điểm thành phố Vĩnh Yên do Sở Giao thông làm chủ đầu tư; quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc; dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II” – Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc”; cải tạo, nạo vét hồ Đầm Vạc.

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ thiết kế các dự án chỉnh trang đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn; bổ sung cải tạo rãnh thoát nước dọc, thay thế cửa thu nước đảm bảo việc tiêu thoát nước; kiểm tra các hạng mục đã thi công, trong trường hợp ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, cản trở dòng chảy, có giải pháp khắc phục kịp thời; tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tham gia vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Về lâu dài, để giải quyết vấn đề ngập úng của thành phố, UBND thành phố sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Xây dựng hoàn thiện Đề án cải thiện hệ thống thoát nước đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Vĩnh Yên đến năm 2030.

Để chủ động các giải pháp tiêu thoát nước tại các điểm ngập úng cục bộ trong mùa mưa bão năm 2023, mới đây, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4686, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH MTV thủy lợi rà soát, thống kê các điểm thường xuyên ngập úng, nguy cơ ngập úng cục bộ khi mưa lớn xảy ra để có giải pháp tiêu thoát, khắc phục nhằm rút nước nhanh, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của nhân dân.

Đẩy nhanh tiến độ lập Đề án thoát nước thành phố Vĩnh Yên; rà soát, đánh giá quy hoạch xây dựng thoát nước trên địa bàn theo quy định; thực hiện trực, cắm biển cảnh báo tại các điểm ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng do lũ, bão để cảnh báo, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông.

Chỉ đạo chủ đầu tư hạ tầng các KCN chủ động các giải pháp để tiêu úng, giảm thiểu thiệt hại khi có mưa lớn gây nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất trong khu vực các KCN trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, bố trí lực lượng trực, cảnh báo người dân tại các điểm ngập úng, khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm trong mùa mưa lũ, các điểm ngầm tràn khi thực hiện xả lũ các hồ chứa để hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện lưu thông trong mùa mưa bão.

Khơi thông các tuyến kênh tiêu, trục tiêu, cống tiêu được giao quản lý khai thác; hoàn thành bảo dưỡng, vận hành thử các trạm bơm tiêu, hồ đập, điều tiết… để kịp thời sửa chữa, khắc phục ngay những hư hỏng đảm bảo sẵn sàng vận hành tiêu thoát khi có mưa lũ, ngập úng xảy ra.

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, công trình trong mùa mưa lũ để sớm phát hiện, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất của nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc chủ động các giải pháp chống ngập úng trong mùa mưa bão