Vĩnh Phúc: Dấu ấn sau 20 năm tái thành lập tỉnh

Hoàng Thị Thúy Lan|24/12/2016 23:24
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm thấp, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong số các tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương. Năm 2016 ước tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 30,8 nghìn tỷ đồng, đánh dấu mốc son mới trong sự phát triển của tỉnh sau 20 năm tái lập. Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đi đầu trong việc ban hành cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội.

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 1-1-1997 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX sau 29 năm hợp nhất với tỉnh Phú Thọ. Khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song, với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển. Sau 20 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao; đồng thời khẳng định chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, được Vĩnh Phúc vận dụng sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn đặt ra.

Nhìn lại 20 năm, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm đạt ở mức cao, đặc biệt có những năm đạt trên 20% và bình quân giai đoạn 1997-2016 ước đạt 15,37%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) không ngừng được mở rộng và tăng lên, năm 2016 đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, tăng 40 lần so với năm 1997; GRDP (theo giá hiện hành) bình quân đầu người năm 2016 tăng hơn 33 lần so với năm 1997 (từ 2,18 triệu đồng năm 1997 lên 72,3 triệu đồng/người/năm năm 2016).

15722801_909315685872502_205777424_n

Thành phố Vĩnh Yên thay da đổi thịt sau 20 năm tái thành lập tỉnh

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (mô hình kinh tế của tỉnh hiện nay là công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp); ước thực hiện năm 2016: Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 61,97% (tăng 43,6% so với năm 1997), ngành dịch vụ chiếm 27,78% (giảm 8,7% so với năm 1997) và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,25% (giảm 34,9% so với năm 1997).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2016 đạt trên 23,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26 lần so với năm 1997.

Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh. Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được và có điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 vượt 20 nghìn tỷ đồng; thực hiện năm 2016 đạt mốc 30 nghìn tỷ đồng (gấp gần 280 lần so với năm 1997), trong đó thu nội địa đạt 28,5 nghìn tỷ đồng; là tỉnh nhiều năm liền có thu nội địa cao thứ 2 ở miền bắc, chỉ sau Hà Nội. Chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm phục vụ kịp thời nhiệm vụ của tỉnh.

Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Là tỉnh đi đầu cả nước trong việc ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời thiết lập, vận hành cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp – chính quyền; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban, ngành, địa phương với sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ một phần ba đến một nửa so với quy định, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân và được đánh giá cao thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố; triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư và triển khai mô hình “cà-phê doanh nhân” định kỳ thứ sáu hằng tuần lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp… Do đó, các loại hình doanh nghiệp có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có 884 dự án, gồm 231 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,56 tỷ USD; 653 dự án DDI với số vốn đăng ký 56,8 nghìn tỷ đồng và 7.394 doanh nghiệp dân doanh với số vốn đăng ký kinh doanh 56 nghìn tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp khẳng định là nền tảng của nền kinh tế, có đóng góp lớn đến tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh. Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư (như chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế…); cải cách các thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp; môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện… Từ chỗ chỉ có một khu công nghiệp với quy mô 50 ha, đến nay tỉnh có 11 khu đã được thành lập với diện tích 2,3 nghìn ha. Một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và gia tăng xuất khẩu cho tỉnh như: Toyota, Honda, Piaggio, Deawoo bus, Tập đoàn Prime… Tiểu thủ công nghiệp làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Triệu Đề…

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được quan tâm; nhiều cơ chế, chính sách tiên phong trong cả nước được ban hành và thực hiện có hiệu quả (là tỉnh đầu tiên của miền bắc về sản xuất 3 vụ ổn định trong năm; Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10/NQ-TU về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001-2005 và Nghị quyết 03/NQ-TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020; HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách (sau này được Trung ương triển khai trên toàn quốc), đồng thời góp phần giúp tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất thuận lợi). Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ, hình thức sản xuất chuyển biến đúng hướng, đem lại hiệu quả ngày càng cao. Đã hình thành nhiều vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung; giá trị thu nhập đến năm 2015 đạt 135 triệu đồng/ha, tăng 7,2 lần so với năm 2000. Chăn nuôi khẳng định là ngành sản xuất chính, đem lại giá trị thu nhập cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản hằng năm ổn định, sản lượng nuôi trồng tăng bình quân 10,7%/năm. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được triển khai tích cực.

Lĩnh vực dịch vụ đạt được kết quả bước đầu quan trọng: Kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng với chất lượng nâng cao; các khu du lịch được đầu tư, khai thác hiệu quả. Nhiều công trình phục vụ văn hóa, du lịch được đầu tư hoàn thành vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, vừa thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2016, doanh thu du lịch xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 1.300 tỷ đồng. Kinh doanh thương mại hình thành và phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đến năm 2016 đạt 1,77 tỷ USD (gấp 126 lần so với năm 1997). Các dịch vụ khác như vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính, tín dụng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đặc biệt quan tâm đầu tư. Các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp, tuyến đường quan trọng qua các địa phương trong tỉnh được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới. Đến nay toàn bộ hệ thống đường đô thị đã được cứng hóa; 90,1% số tuyến đường giao thông nông thôn, 55% số tuyến đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa, 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia. Hạ tầng cấp, thoát nước được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn bảo đảm cấp nước cho đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên và các thị trấn huyện lỵ. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Các trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang.

Giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo năm tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Phân luồng học sinh sau THCS được khẳng định là chủ trương đúng và đạt kết quả tốt. Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên được quan tâm đầu tư. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chọn Vĩnh Phúc là địa bàn trọng điểm về giáo dục, xây dựng tỉnh thành một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của cả nước.

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Là tỉnh có nhiều di sản văn hóa đa dạng với hơn 1.300 di tích; văn hóa vật thể và phi vật thể được khai thác và phát huy góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Trò kéo song Hương Canh (huyện Bình Xuyên) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu của nhân dân được tỉnh quan tâm tu bổ, tôn tạo. Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, nâng cao quy mô thu hút khách du lịch như lễ hội Tây Thiên, lễ hội chọi trâu Hải Lựu … Các công trình trọng điểm được đầu tư tạo điểm nhấn về cảnh quan văn hóa, tạo nên sự đa dạng về tài nguyên du lịch nhân văn. Lĩnh vực thể thao có bước phát triển mới, nhất là thể thao quần chúng được phát triển rộng khắp; thể thao thành tích cao từng bước được khẳng định, một số môn thể thao mũi nhọn đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như: đua thuyền, pencatsilat, bắn súng…

Hệ thống tổ chức bộ máy ngành y từ tỉnh đến huyện được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả; mạng lưới y tế cấp xã được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, tổng số giường bệnh đạt tỷ lệ 29,3 giường/10 nghìn dân. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân đã được nâng lên. Đội ngũ y, bác sĩ tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn, đạt tỷ lệ 9,8 bác sĩ/10 nghìn dân, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 100% số thôn, bản có cán bộ y tế và 97% trạm y tế có bác sĩ. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chủ động do đó không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai hiệu quả.

Giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội được chú trọng. Các hình thức tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được đa dạng hóa. Từ năm 1997 đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 400 nghìn lượt lao động, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là trên 20,4 nghìn người. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm; số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016. Chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện; hằng năm tỉnh dành hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh cơ bản đã xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2016 ước khoảng 3,98%.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đạt kết quả tốt, được triển khai áp dụng trong sản xuất. Yếu tố năng suất, chất lượng, hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng. Nhiều đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Quản lý nhà nước về tài nguyên – môi trường được chú trọng. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo đúng pháp luật. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm; công tác thu gom, xử lý rác thải, nhất là việc đầu tư vận hành các lò đốt rác thải liên xã đã giải quyết tích cực vấn đề rác thải sinh hoạt; hạ tầng tiêu thoát và xử lý nước thải đang được triển khai tích cực góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

15682837_909312772539460_1767231665_n

Tiềm năng du lịch tỉnh Vĩnh Phúc sẽ ngày càng được phát triển

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh về an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Công tác quân sự – quốc phòng được tăng cường, thường xuyên được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng. Tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập lớn, nhất là hai cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (năm 2009, 2016) được Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ tổ chức chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành và củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Những kết quả đạt được qua 20 năm tái lập tỉnh và nhất là những nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2016 đã tạo nền móng vững chắc để tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo thế và lực mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hoàng Thị Thúy Lan

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Dấu ấn sau 20 năm tái thành lập tỉnh