Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), sự gia tăng dân số trên địa bàn tỉnh đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày một nhiều, lượng nước thải ra các sông, ngòi cũng gia tăng cả về số lượng và mức độ rủi ro ô nhiễm.
Thực hiện Luật Tài nguyên nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt “Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh” để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn. Đồng thời, giao cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước; thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trên địa bàn.
Cùng đó, triển khai kế hoạch quan trắc môi trường, thường xuyên lấy mẫu nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, phát hiện những bất thường, thay đổi về các yếu tố như độ PH, oxy hòa tan, nhiệt độ, độ trong... để có những dự báo và khuyến cáo kịp thời.
Việc bảo vệ lưu thông dòng chảy, bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ lòng bờ bãi sông được tỉnh thực hiện hiệu quả thông qua Nghị định số 43 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước...
Để giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38 về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành cải tạo, nạo vét 137 thủy vực bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, qua đó tăng khả năng lưu chứa, tự làm sạch của các thủy vực. Đồng thời, triển khai các dự án cải tạo, nạo vét, kè bờ đầm Vạc, nâng cấp, cải tạo một số trạm bơm điều tiết ra sông Phan như: Trạm bơm Đại Phùng I, Đại Phùng II, trạm bơm Đầm Láng…; triển khai Dự án cải tạo, nạo vét sông Phan, đoạn từ cầu Thượng Lạp đến điều tiết Vĩnh Sơn với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Cùng đó, tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác vận hành 2 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục đối với chất lượng nước sông Phan, sông Cà Lồ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về BVMT ngày càng tốt hơn; đầu tư mở rộng các trạm quan trắc tự động và xây dựng cơ chế quản lý vận hành theo quy định của pháp luật về BVMT.
Với quan điểm lấy phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và ngăn chặn suy thoái môi trường là chính nhằm BVMT lưu vực các sông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương phát huy nội lực, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để BVMT và phòng chống suy thoái nguồn nước.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, cơ chế tài chính về môi trường, tài nguyên nước nước theo hướng quản trị thông minh.
Nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc BVMT, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Phúc hoàn thành 100% việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ tự nhiên, hồ nhân tạo còn lại nằm trong danh mục và 100% đối với các sông suối liên tỉnh có khu dân cư.
Cơ bản chủ động được nguồn nước, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hoàn thiện, vận hành ổn định, có hiệu quả hệ thống theo dõi, đánh giá môi trường, tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số theo quy định pháp luật.
Trước đó, năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-UBND, phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho công trình lấy nước tự chảy – Nhà máy nước Tam Dương của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc.
Nguồn nước khai thác của công trình này là nước mặt sông Phó Đáy, được lấy qua kênh chính tả ngạn của công trình thủy lợi Liễn Sơn, tại vị trí K1+200, thôn Quang Trung, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương với chế độ khai thác 24/24 giờ; phương thức khai thác, sử dụng: Cống lấy nước tự chảy; lưu lượng khai thác, sử dụng lớn nhất: 30.000 m3/ngày đêm.
Theo đó, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tính từ điểm thu nước của công trình là 800m về phía thượng lưu và 200m về phía hạ lưu của kênh chính tả ngạn của công trình thủy lợi Liễn Sơn. Xung quanh điểm thu nước của công trình khai thác cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm tất cả các hoạt động phát sinh ra nguồn gây ô nhiễm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.