Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông theo đề nghị của Bộ TN&MT.
Tài nguyên nước (TNN) ở tỉnh Hòa Bình được đánh giá là khá dồi dào, có thể khai thác để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn nước mặt chủ yếu từ các lưu vực sông chính như: sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi chảy qua địa bàn tỉnh và 544 hồ chứa thủy lợi, khoảng 1.300 ha ao, hồ nhỏ. Đối với nguồn nước đầm, ao, hồ, toàn tỉnh có 546 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 39 hồ chứa dung tích hơn 1 triệu m3 và 12 hồ chứa thủy điện.
Đặc biệt, hồ chứa thủy điện Hòa Bình có dung tích lớn nhất là 9,862 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, hồ còn có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Đối với TNN dưới đất trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều và khá đa dạng, với 21 tầng chứa nước có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư trên toàn tỉnh. Trong đó có 7 tầng chứa có chất lượng, trữ lượng bảo đảm cho khai thác lưu lượng lớn cấp nước cho khu dân cư, khu công nghiệp. Các tầng chứa giàu nước chủ yếu phân bố ở vùng ven sông, suối, vùng đất thấp, bằng phẳng hoặc trong các thung lũng. Còn lại các vùng núi cao, độ dốc lớn là các tầng chứa nghèo, nước thường xuất hiện mạch lộ thiên với lưu lượng nhỏ và biến đổi theo mùa.
Tuy nhiên, hiện nay biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến nguồn nước trên địa bàn tỉnh ngày càng cạn kiệt. Tình trạng hạn hán những năm gần đây khiến mùa khô năm 2023 ở nhiều vùng quê trong tỉnh không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mà nhiều hồ chứa cũng rơi vào cảnh trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Ở hạ lưu hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều thời điểm mực nước xuống thấp kỷ lục, để lộ những bãi cát rộng, lòng sông trơ sỏi, đá.
Trước thực tế trên, nhằm phòng chống hạn hán thiếu nước trong mùa khô 2024, Sở TN&MT đã triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 10707/BTNMT-TNN. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo văn bản trình UBND tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024.
Theo đó, Sở TN&MT đã tiến hành rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước của các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du các lưu vực sông.
Sở TN&MT cũng yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH Một thành viên lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước, chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi và thực hiện việc lấy nước phù hợp thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa thượng lưu.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước, đánh giá cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp với diễn biến nguồn nước trên lưu vực sông; tính toán lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất đông xuân năm 2024.
Sở TN&MT cũng phối hợp Sở Xây Dựng, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và Công ty Thủy Điện Hòa Bình thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước. Trên cơ sở đó chủ động tính toán, xây dựng phương án vận hành tích nước của các hồ chứa trong thời kỳ cuối mùa lũ và phương án vận hành điều tiết các hồ chứa đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024.