TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với xâm nhập mặn sâu

Hoàng Linh|21/01/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự báo mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ về tình hình xâm nhập mặt tại TP. Hồ Chí Minh trong tuần từ 21/1 đến 31/1/2024, mực nước cao nhất ngày tại các trạm trên các sông, kênh rạch khu vực TP. Hồ Chí Minh lên nhanh đến giữa tuần, sau xuống chậm. Đỉnh triều cao nhất tuần xuất hiện vào giữa tuần, riêng trạm Nhà Bè xuất hiện vào đầu tuần, ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm.

Ranh mặn 4%0 xâm nhập sâu nhất trên sông Sài Gòn khoảng 65 - 70 km. Vào tuần sau, trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4%0 xâm nhập sâu khoảng 68 - 73 km.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, hiện tại đang trong giai đoạn mùa nắng, lượng nước từ đầu nguồn các con sông về ít nên nước biểm theo các cửa sông vào sâu trong đất liền gây nên tình trạng xâm nhập mặn.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng lưu ý, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông khu vực TP. Hồ Chí Minh ở cấp độ 3. Xâm nhập mặn vào sâu trong các sông, kênh, rạch khu vực của thành phố, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

xam-nhap-man.png
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ngăn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: C.Quốc

Theo Ths. Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, năm nay xâm nhập mặn đến sớm và tăng nhanh. Nguyên nhân là hiện nay đang chuẩn bị bước vào đợt triều cường đầu tháng Chạp; bên cạnh đó, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh trên Biển Đông đẩy nước biển vào sâu trong các con sông. Khả năng ảnh hưởng sâu và nặng hơn trong các đợt triều cường sắp tới.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước trên sông MeKong ít biến đổi trong nửa đầu tuần, sau lên nhanh đến nửa cuối tuần. Lưu lượng nước qua trạm Kratie ở mức xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%.

“Thủy triều vùng hạ lưu trên các sông miền Tây Nam Bộ lên nhanh và đạt đỉnh vào giữa tuần, sau xuống chậm. Độ mặn lớn nhất tại các trạm xuất hiện không đồng thời, chủ yếu xuất hiện vào đầu tuần, ở mức lớn hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Bến Tre có khả năng xuất hiện vào cuối tuần, ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 28-40km”- Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết.

Trước tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ngày 15/1 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo công điện, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với xâm nhập mặn sâu