Vừa qua, tại Trà Vinh, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 vùng ĐBSCL.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5 - 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần.
Từ đó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn TBNN, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12.2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2, tháng 3.2024; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào các tháng 3, 4, 5.2024.
Đại diện lãnh đạo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 dự kiến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra ở một số địa phương, do đó cần tăng cường giải pháp ứng phó cho hơn 56.000ha lúa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng…
Đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 43.300ha, thuộc 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển thuộc các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, mùa khô tới, xâm nhập mặn khả năng sâu, sớm và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phải lên kế hoạch ứng phó ngay lúc này, phải đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.