– Bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu, tàn phá rừng là những nguyên nhân khiến nhân loại đối mặt với những loại virus mới nguy hiểm như Zika, MERS và SARS.
Một em bé bị bệnh đầu nhỏ do virus Zika. Ảnh: Mario Tama.
Virus Zika, Ebola, Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS), Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS), virus Nipah, virus Hendra, cúm gia cầm, cúm lợn là những dịch bệnh thu hút sự chú ý của quốc tế những năm gần đây. Trong vài thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự đột biến đáng báo động của những bệnh truyền nhiễm mới. Kể từ năm 1980, trung bình cứ mỗi ba năm con người lại đối mặt với tác nhân gây bệnh mới.
Người ta có thể lập luận rằng những dịch bệnh này thực ra không hề mới, chúng đã tồn tại trong xã hội loài người hàng thế kỷ nhưng gần đây mới được biết đến nhờ tiến bộ khoa học. Điều này chỉ đúng với một số trường hợp. Nói cách khác, các mầm bệnh mới đang thực sự gia tăng.
Giải thích cho hiện tượng này, The Huffinton Post đưa ra những lý do sau:
Bùng nổ dân số
Cụm từ “sinh nở như thỏ” có lẽ nên đổi thành “sinh nở như người” bởi không loài vật nào trên thế giới đọ được với con người về tốc độ sinh sản. Dân số càng phát triển, đất có sẵn càng ít lại và càng nhiều người phải sống trong môi trường đô thị đông đúc, điều kiện lý tưởng cho tác nhân bệnh tật xuất hiện và lây lan.
Du lịch phát triển
Những chuyến đi xa làm tăng nguy cơ lây nhiễm và vận chuyển mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.
Biến đổi khí hậu
Hàng loạt bệnh được truyền qua côn trùng bao gồm muỗi, ve và nhện. Chu kỳ sống của một vector gây bệnh phụ thuộc vào yếu tố khí hậu và khí hậu thay đổi giúp một số loài như muỗi phát triển mạnh. Nhiệt độ ấm rút ngắn thời gian ủ bệnh của virus, thúc đẩy quá trình trưởng thành của ấu trùng muỗi cũng như tăng tần suất ăn của muỗi trưởng thành. Từ đó, nhân loại dễ mắc các bệnh mà điển hình là Zika.
Nạn phá rừng
Chặt cây khiến đất trữ nước mưa, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi. Bệnh Lyme đang có xu hướng gia tăng bởi con người xâm lấn rừng. Virus Nipah là mầm bệnh mới được khám phá, gây quan ngại cho sức khỏe vì có thể nhanh chóng truyền từ động vật (như lợn) sang người rồi dẫn đến tử vong.
Buôn bán động vật hoang dã và sản xuất thức ăn từ động vật
2/3 các bệnh mới đến từ động vật. Khi nhu cầu về thịt, da và những thú vui khác liên quan đến động vật tăng, nguy cơ nhiễm bệnh của chúng ta cũng tăng.
Càng vào rừng sâu để đánh bắt động vật, chúng ta càng nhiều khả năng đối mặt với những cá thể mang virus gây bệnh mới. Dù chưa hiểu chính xác con người đã tiếp xúc với Zika như thế nào, giới khoa học xác nhận virus này được phát hiện lần đầu tiên ở khỉ nâu.
Tồi tệ hơn, thú hoang dã bị chuyển từ nơi này sang nơi khác hoặc bị giết rất dã man, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển rồi tấn công con người. Đây chính là lý do khiến SARS bùng phát. Các nhà khoa học tin rằng virus SARS vốn có ở dơi ăn quả. Do quá trình buôn bán, dơi tiếp xúc với mèo ở Quảng Đông (Trung Quốc). SARS từ dơi chuyển qua mèo rồi truyền sang người. Bằng cách tạo ra những động vật ốm yếu, chúng ta tự đặt bản thân vào nguy hiểm. Bên cạnh đó, động vật chăn nuôi là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.
Mỗi khi một dịch bệnh mới bùng phát, chúng ta lại đi theo mô hình quen thuộc: hoảng sợ, tự hỏi tại sao điều này xảy ra, chạy đua để tạo ra thuốc mới, thở phào nhẹ nhõm khi dịch qua đi rồi tiếp tục những hành vi góp phần tạo nên bệnh tật. Đừng quên rằng thuốc và văcxin chỉ là biện pháp tạm thời. Đặc biệt, văcxin có thể thúc đẩy sự tiến hóa của virus dẫn đến những chủng kháng thuốc.
Trừ khi chúng ta có cái nhìn nghiêm khắc hơn về lối sống của mình, những căn bệnh mới vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Giống như lời tiến sĩ Dan Baush từ Trường Y tế công học và Y học Nhiệt đới Tulan (Mỹ) nói: “Cứ một virus được biết đến lại có hàng trăm loại chúng ta chưa thể xác định. Ở ngoài kia tồn tại rất nhiều bệnh tật”.