Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho rằng: “Nếu xét góc độ cấu thành tội phạm tội hình sự, tôi cho rằng, cơ quan điều tra, Tòa án Nhân dân TP HCM khởi tố điều tra và truy tố về tội danh buôn lậu là không đúng với bản chất của sự việc và yếu tố cấu hành tội phạm”.
Các bị cáo tại phiên toà
Luật sư Trần Tuấn Anh nêu ví dụ, việc buôn lậu là đưa hàng qua biên giới và không thực hiện việc khai báo hải quan. Tuy nhiên, trong vụ án này lại khác, vì tất cả các lô hàng đều được cấp phép của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) và đều được mở thủ tục khai hải quan, thực hiện việc nhập khẩu theo đúng quy định chứ không thể đưa vào tội buôn lậu được.
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, trong Luật hình sự Việt Nam có 1 tội danh tương ứng các hành vi đó là buôn bán hàng giả và cụ thể là thuốc chữa bệnh. Trong đó, có 2 đặc điểm: giả về hình thức (tức là bao bì, nhãn mác) và giả về chất lượng.
Cụ thể, ở đây, các thuốc chữa bệnh ung thư nhưng lại không có chức năng chữa bệnh ung thư được coi như giả về chất lượng. Vì vậy, các đối tượng trên đã phạm vào tội buôn bán hàng giả (thuốc chữa bệnh) với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Luật sư Tuấn Anh đặt câu hỏi: Vì sao với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Cục quản lý Dược lại không nắm được vấn đề mà vẫn cấp phép và cho nhập để sử dụng trong nước? Điều này, chứng tỏ rằng, Cục quản lý Dược đang buôn lỏng quản lý. Điều này cũng thể hiện bằng việc Tòa án Nhân dân TP HCM kiến nghị cơ quan điều tra về sai phạm hình sự liên quan công tác quản lý của Cục và thậm chí là đồng phạm với các đối tượng có hành vi phạm tội này ở VN Pharma.
Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh: “Việc Tòa án Nhân dân TP HCM kiến nghị cơ quan điều tra cũng là cách chắc chắn để việc điều tra được thực hiện lại từ đầu. Theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát hiện hành vi tội phạm (ở đây là hành vi của những người ở Cục quản lý dược), HĐXX hoàn toàn có đủ thẩm quyền để khởi tố vụ án ngay tại phiên xét xử và chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ chứ không cần thiết kiến nghị điều tra thêm nữa”.
Lý giải điều này, Luật sư Tuấn Anh cho rằng: trong câu chuyện này, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, những đối tượng khác ngoài những người bị đưa ra xét xử có yếu tố phạm tội, đồng phạm hoặc thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hàng chục tỉ đồng và thuốc không hề có tác dụng chữa bệnh.
“Nếu xét về ngành, đây là sự vi phạm đạo đức trắng trợn và nghiêm trọng của những người thực hiện hành vi khi họ trục lợi trên nỗi đau của những bệnh nhân ung thư. Đây là sự vô cảm, trục lợi trên nỗi đau người bệnh. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, đạo đức của những người kinh doanh buôn bán thuốc. Bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng, làm cho người bệnh tốt hơn đỡ đau hơn hoặc kéo dài cuộc sống hơn.
Họ thừa hiểu rằng, những bệnh nhân ung thư gần như không có cách nào cứu chữa mà chỉ có thể kéo dài sự sống của họ. Thế nhưng, những đối tượng này đã sẵn sàng quảng cáo trắng trợn nhằm làm người bệnh tin rằng họ đang uống thuốc có thể chữa được, có tác dụng kéo dài cuộc sống. Như vậy, đó là một sự giả dối cần phải lên án. Những bệnh nhân đang sử dụng thuốc của VN Pharma mà nghe được thông tin thuốc giả này là một cú sốc tâm lý cực lớn và có lẽ họ sẽ khó chịu đựng được nỗi đau này”- Luật sư Tuấn Anh bức xúc.
Luật sư Tuấn Anh khẳng định, vụ việc VN Pharma, trách nhiệm cao nhất là thuộc Bộ Y tế. Sau đó, Cục trưởng là người trực tiếp. Bộ Y tế đang có vấn đề trong cách điều hành, quản lý nhân sự, cách bổ nhiệm cán bộ. Nếu Bộ bổ nhiệm cán bộ có năng lực, có tầm và có tâm thì sẽ không bao giờ xảy ra sự việc đau lòng như ngày hôm nay.
Luật sư Tuấn Anh cho biết, ông không đồng tình với cách giải thích của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên báo chí vừa qua. Rõ ràng, trong bất cứ hoạt động nào thuộc sự quản lý của Bộ thì phải chịu trách nhiệm. Vì Bộ Y tế là cơ quan chủ quản của Cục quản lý Dược và cấp dưới không làm tròn được nhiệm vụ quản lý thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu của Bộ.
Lúc này, ngành không phải đứng để đùn đẩy trách nhiệm cho ai hay cho cấp dưới của mình. Chúng ta không chỉ làm chuyên môn mà còn làm công tác cán bộ. Cán bộ của mình làm sai, người đứng đầu phải nhận trách nhiệm ngay lập tức và khắc phục sự cố chứ không có chuyện trong thời gian dài như vậy mà người đứng đầu ngành lại không biết. Đến lúc các cơ quan báo chí phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc mới làm rõ trách nhiệm được.
Luật sư Tuấn Anh khẳng định: “Người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng này” (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguồn ảnh: Vietnamnet)
Như đã phân tích ở trên, việc này đã thể hiện khá rõ khi Tòa án Nhân dân TP HCM kiến nghị điều tra về sai phạm ở Cục quản lý dược. Bộ Y tế không thể nói là vô can. Dù công ty ở TP HCM hay ở vùng sâu vùng xa nhưng trách nhiệm quản lý và cấp phép là Cục quản lý dược/Bộ Y tế. Như vậy, người đứng đầu ngành không thể đùn đẩy trách nhiệm xuống cấp dưới và vô cảm như vậy được.
Dư luận nghi ngại là vì sao 1 công ty con như VN Pharma mới thành lập được 2 năm nhưng đến tháng 5/2014 làm nhiều người trong ngành dược ngạc nhiên vì trúng thầu 46 mặt hàng trị giá 267 tỉ đồng. Liệu sau đó có vấn đề gì không?
Tất cả sự bức xúc xã hội là có thật, phạt Pharma là có thật.
Nguyên nhân vì sao? Chính là sự buông lỏng quản lý về nhân sự, chất lượng thuốc, không kiểm tra, kiểm soát kỹ của Bộ đẫn tới hậu quả không lường như hiện nay. Và dư luận cũng nghi ngờ rằng những lô thuốc trước kia của Pharma cung cấp chất lượng ra sao?, Người dùng thuốc ảnh hưởng ra sao? Chúng ta đã có điều tra và đánh giá cụ thể hay chưa?
Bộ Y tế có dám đưa những người đã từng dùng thuốc của VN Pharma làm xét nghiệm xem tiến trình bệnh của họ ra sao?. Bồi thường cho họ tổn thất tinh thần và sức khỏe, thậm chí là những người đã mất được không?.
Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện thăm khám miễn phí, đánh giá tác động của thuốc giả lên người bệnh như thế nào. Đấy là những điều Bộ Y tế cần làm, chứ không phải đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới của mình và rồi đi giải trình để khẳng định lại uy tín cho ngành.