Vườn Phật thủ Đắc Sở tất bật dịp Tết Nguyên đán

Thu Hoài|27/01/2022 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo quan niệm dân gian, phật thủ là loại quả được chưng trên bàn thờ tổ tiên vào ngày rằm, mùng Một, đặc biệt là lễ Tết bởi hình dạng giống bàn tay Phật, mang lại sự may mắn và hương thơm bền lâu. Xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội là một trong những vùng trồng phật thủ nổi tiếng nhất miền Bắc. Những ngày cận Tết Nguyên đán, các chủ vườn tất bật cung cấp quả phật thủ cho thị trường trên cả nước.

Trồng phật thủ đòi hỏi sự kỳ công

Cây phật thủ ở Đắc Sở được trồng chủ yếu với phương pháp ghép hoặc chiết với gốc bưởi rồi đem trồng, chủ vườn có thể trồng trực tiếp cây con hoặc giâm cành. Phật thủ đặc thù cần có loại đất phù hợp nên phải được lựa chọn, chăm sóc tỉ mẩn, kỹ càng từ những người có kinh nghiệm trong nghề. Việc chăm sóc cây phật thủ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công của người làm vườn. Bên cạnh việc phân gio, phun thuốc thì phần “tiện cây” để cho cây rũ và rụng lá nhằm thu được quả sao cho đúng vụ được coi là phần rất quan trọng. Cũng chính từ đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cần nhiều công đoạn kỹ càng nhưng vòng đời của cây khá ngắn, chỉ được 5 năm nên sau mỗi lứa cây, người dân phải chuyển tới vùng đất khác để trồng. Những năm gần đây, người dân Đắc Sở thuê đất ở các huyện lân cận như Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ,… để canh tác. Hàng năm, mỗi cây phật thủ cho ra cả vài trăm quả, nhưng tỉa đi chỉ còn khoảng 40-50 quả đẹp để bán.

Quả phật thủ được giá ngoài yếu tố quả to, thì phải có nhiều tay, tay dài, mập, quả phải già và có màu sắc hài hoà, nếu mua phải quả non sẽ không chưng được lâu. Đặc biệt, quả phật thủ càng có hình dáng giống bàn tay Phật càng được mua với giá cao. Giá mỗi quả phật thủ dịp giáp Tết dao động từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng, giá mỗi gốc phật thủ cảnh đẹp từ 10 đến 15 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người đã có 18 năm trồng phật thủ ở xã Đắc Sở với hơn 500 gốc cho biết, phật thủ mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong cho gia đình được bình an, gặp nhiều may mắn và mạnh khỏe nên lúc chăm sóc người dân cũng hết sức cẩn thận, nâng niu để quả luôn sạch, đẹp.

Ông Thạch giới thiệu quả phật thủ có giá trị hàng triệu đồng.

“Hình dạng quả phật thủ tuỳ thuộc vào hoa nên phải chăm hết sức tỉ mỉ từ lúc bé, đến lúc ra hoa rồi đậu trái, cắt tỉa. Để phục vụ mùa Tết thì nhà vườn sẽ bắt đầu chăm bón từ tháng 4 là thời điểm đẹp nhất. Năm nay được mùa, quả đủ để phục vụ cho bà con dịp Tết, còn những chùm mới ra hoa thì để đến ngày rằm và mùng Một tháng Giêng. Trồng phật thủ chăm bón nhiều nhưng lại cho hoa quả quanh năm nên lúc nào cũng có quả để thu hoạch. Năm nay vì dịch nên cả năm đầu ra khó khăn, tuy nhiên may mắn lại được mùa và dịp Tết này số lượng đặt hàng đã tăng trở lại.” – Ông Thạch chia sẻ thêm.

Thị trường tiêu thụ quả phật thủ lớn nhất vẫn là Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh,… ngoài ra còn cung ứng đến các tỉnh như Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Giá 1 quả phật thủ dao động từ 20.000 – 500.000 đồng tùy kích thước và hình dáng quả. Đặc biệt có quả to, đạt tiêu chuẩn giá bán lên đến 5 – 6 triệu đồng.

Nhộn nhịp khách mua dịp Tết

Dịp Tết Nguyên đán, quả phật thủ không chỉ để thờ cúng mà cây phật thủ còn được trồng để dùng làm cây cảnh. Cây cảnh phật thủ đáp ứng yêu cầu cần phải có tán cân đối, cây cao vừa phải và nhiều quả, đặc biệt có những cây lên đến gần một trăm quả. Những cây chất lượng tốt có giá bán từ 10 – 15 triệu đồng một gốc. Cây cảnh phục vụ Tết chủ yếu cho thị trường miền Nam như Sài Gòn, Bình Dương,… Công tác chuẩn bị và vận chuyển đơn hàng cũng được giao từ trước Tết khoảng nửa tháng. Vì vậy, cuối năm là khoảng thời gian bận rộn nhất của các nhà vườn phật thủ. Nếu như ngày thường, mỗi hộ gia đình chỉ cần 1 – 2 người thu hoạch thì dịp cận Tết, do khách hỏi mua đông nên phải cần nhiều nhân công, tất bật từ sáng đến tối.

Quả phật thủ càng to càng được săn lùng và bán chạy trong dịp Tết.

Ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên vào những dịp lễ Tết, rằm hay mùng Một, những quả phật thủ không đủ tiêu chuẩn thờ cúng thì thương lái sẽ thu mua theo ký, vì quả có thể làm các phương thuốc trong đông y, chữa bệnh ho, cảm cúm, đầy bụng, đau dạ dày,… rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, phật thủ còn có thể dùng để làm mứt Tết, nấu chè, sấy khô…

Nhiều năm trở lại đây, một số chủ vườn còn sáng tạo ghép quả phật thủ lên thân cây để bán cho người chơi cây cảnh. Phật thủ bonsai có chiều cao từ 60 – 80cm, thế đẹp và đặc biệt, có thể cho rất nhiều quả trên một cây. Mỗi cây phật thủ mini đậu từ 7-20 quả. Kích thước quả đa số nhỏ hơn những quả phật thủ thông thường. Giá mỗi cây phật thủ bonsai dao động từ 1 đến 3 triệu đồng tuỳ kích thước, hình dáng và số lượng quả. Cây phật thủ cảnh có thể chơi được 3 – 4 tháng tuỳ công người chăm sóc, tưới nước. Phật thủ bonsai thường được nhiều khách đặt mua trước với số lượng lớn ở các vườn từ trước Tết một tháng. Những ngày giáp Tết có thể sẽ hiếm hàng, giá thành theo đó cũng tăng phù hợp với nhu cầu và thị trường.

Phật thủ là loại quả được nhiều gia đình lựa chọn bày mâm ngũ quả, thắp hương trên bàn thờ gia tiên vào dịp Tết cổ truyền. Quả có nhiều ý nghĩa tâm linh, mang lại nhiều tài lộc và an khang, thịnh vượng cho gia chủ, xua đuổi những điều không may mắn. Bên cạnh đó cũng thể hiện sự che chở, bảo vệ cho gia đình được bình an, giúp cho con người có nhiều may mắn, mạnh khỏe và một niềm tin vào năm mới suôn sẻ, thuận lợi hơn. Dịp cuối năm cũng là lúc thị trường phật thủ nhộn nhịp nhất để phân phối sản phẩm trên khắp cả nước.

Thu Hoài

Bài liên quan
  • Làng bánh chưng Tranh Khúc nhộn nhịp những ngày cuối năm
    Moitruong.net.vn – Những ngày này, trên con đường vào làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại nhộn nhịp làm bánh chưng đón Tết. Nhà nào cũng ngập sắc xanh của lá dong, mùi thơm và bùi của đậu xanh, thịt lợn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Phật thủ Đắc Sở tất bật dịp Tết Nguyên đán