Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 22/7 thông báo nắng nóng đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng trong hàng chục năm qua. Trong năm nay, hơn 1.700 người chết chỉ riêng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong đợt nắng nóng hiện tại.
Theo AFP, ông Kluge giải thích rằng cái nóng cực đoan thường làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe có sẵn và những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất thường là trẻ em và người lớn tuổi.
WHO châu Âu nói rằng con số trên chỉ là ước tính sơ bộ dựa trên báo cáo của nhà chức trách các nước và số liệu đã và sẽ tăng thêm trong những ngày tới vì mùa hè năm nay mới chỉ qua gần được nửa đường.
Ông Kluge cho rằng đợt nắng nóng tại châu Âu trong tuần này một lần nữa cho thấy châu Âu cần hành động để đối phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Giám đốc WHO khu vực châu Âu kêu gọi chính phủ các nước thể hiện ý chí và sự lãnh đạo trong việc thi hành Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu cho đến cuối thế kỷ này không quá 2 độ C và lý tưởng là không quá 1,5 độ C.
Bên cạnh nắng nóng, các đợt cháy rừng cũng đã thiêu rụi khoảng 200.000 ha rừng tại Tây Ban Nha và gần 50.000 ha tại Bồ Đào Nha.
Cùng với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhiều nước châu Âu khác cũng đang phải trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng, gây cháy rừng trên diện rộng.
Tại Đức, trong ngày 20/7, nhiệt kế một số nơi dao động ở mức xấp xỉ 40 độ C. Tại Emsdetten, bang Nordrhein-Westfalen, nhiệt độ thậm chí vượt mốc 40 độ C.
Cơ quan khí hậu quốc gia Anh (Met Office) cho biết nhiệt độ kỷ lục tạm thời mới là 40,3 độ C được ghi nhận ở Coningsby, miền trung nước Anh. 34 địa điểm khác trên toàn nước Anh có nhiệt độ vượt quá mức kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được ghi nhận vào năm 2019.