Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt sụt lún và sạt lở

Minh Ngọc|22/07/2022 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ nhiều nơi xảy ra những điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, đê biển, các hộ dân sống ven khu vực sạt lở nguy hiểm đang cần di dời khẩn cấp.

Ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, ngày 15/7 tại ấp Vĩnh Bình (xã Vĩnh Trường, H.An Phú, An Giang) xảy ra 2 điểm sạt lở gần nhau thuộc bờ Tây sông Hậu, với chiều dài khoảng 50 m, ngang khoảng 2 m. Theo Sở TN-MT tỉnh An Giang, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh An Giang xảy ra 16 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 808 m. Sạt lở xảy ra chủ yếu ở các huyện Châu Phú, An Phú, Chợ Mới…, thiệt hại khoảng 954 triệu đồng.

Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có tổng cộng 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 180.580 m (năm 2021 là 53 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 171.580 m). Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Sở TN-MT An Giang cho biết dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tình hình sạt lở sẽ càng phức tạp.

sat-lo.jpg
Vụ sạt lở tại xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Tại tỉnh Hậu Giang, 5 căn nhà bất ngờ trôi tuột xuống sông chỉ còn nhô lên một phần là những gì còn sót lại sau vụ sạt lở bờ sông kinh hoàng. Nhiều gia đình đã phải tháo chạy trong đêm để bảo toàn tính mạng.

Vụ sạt lở này xảy ra ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tổng diện tích sạt lở ước tính hơn 500m2 với chiều dài lên đến 35m. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến nay, khu vực ĐBSCL ghi nhận ít nhất 751 khu vực sạt lở với tổng chiều dài lên đến 976km, tập trung cặp sông Tiền, sông Hậu và đê biển. Hiện có khoảng 20.000 hộ dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ sống ven các tuyến sông có nguy cơ sạt lở cao, cần khẩn trương di dời.

Đắp đê, xây kè để chống sạt lở thường là giải pháp đầu tiên được tính đến. Nhưng giải pháp này được cho là không mang lại hiệu quả lâu dài và rất lãng phí nguồn lực xã hội vì không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Bằng chứng là đê biển ở Cà Mau năm nào cũng đối mặt với sạt lở khi vào mùa mưa bão. Hay ở khu vực đầu nguồn, gần đây nhất chính là Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền, khu vực chợ Bình Thành (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) với kinh phí trên 90 tỉ đồng cũng nhiều lần sạt lở. Hay như mấy năm trước tỉnh An Giang dùng cát lấp các hố sâu tự nhiên trên sông Vàm Nao cũng để chống sạt lở.

Mưa ở ĐBSCL càng nhiều thì tốc độ sạt lở bờ sông càng tăng và diễn biến khó lường. Do vậy, người dân có nhà cửa ven sông cần đặc biệt chú ý, theo dõi chặt tình hình để kịp thời di dời tài sản, vật dụng khi cần thiết.

Bài liên quan
  • Cà Mau: Sạt lở 3 vị trí với chiều dài 110m tại đê biển Tây
    Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phối hợp triển khai thực hiện ngay một số biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt sụt lún và sạt lở