Do đó người dân tại xã đảo này đang phải mua nước sinh hoạt từ đảo Lớn chở qua với giá cao gấp 26 lần giá bình thường.
Một mét khối nước sinh hoạt khi mua tại Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt có giá 8.000 đồng, nhưng khi mua của các tàu chở nước ngọt từ đảo Lớn qua thì giá 220.000 đồng, cao gấp 26 lần. Theo người dân địa phương, nước ngọt từ Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt chỉ đủ để nấu ăn, còn những sinh hoạt khác thì phải mua nước từ đảo Lớn. Mặt khác, từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay trên đảo An Bình không có đợt mưa nào nên người dân không có nguồn nước mưa dự trữ để sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã An Bình cho hay: “Một gia đình có 4 khẩu, bình thường một tháng sử dụng hết 10 khối nước, thì nay mình phải tiết kiệm, dùng khoảng 5 khối. Giá nước ngọt khi chuyển từ đảo Lớn qua dao động từ 220.000 đồng đến 260.000 đồng/m3. Chỉ tính riêng tiền nước mỗi tháng cũng hết cả triệu đồng”.
Thời gian gần đây, đảo An Bình được biết đến là điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Do đó, việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến việc phục vụ sinh hoạt của du khách. Nhiều khách du lịch tỏ ra không hài lòng khi phải trả phí nước cao, sử dụng nước không được thoải mái.
Chị Phạm Lê Trang, du khách đến từ Tp Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Khi tới đảo An Bình, cái tôi thấy đầu tiên đây là hòn đảo nhỏ nhưng có cảnh quan tự nhiên rất đẹp. Con người nơi đây cũng rất dễ gần, thiện chí. Tôi cùng với các chị em dự định sẽ ở lại đây vài ngày để ban đêm nhóm lửa ngoài bãi biển, cùng người dân địa phương đi bắt cua, cá… Nhưng mọi dự định của chúng tôi phải thay đổi khi phải chi khoản tiền lớn cho việc sử dụng nước sinh hoạt. Khi người dân giải thích việc họ phải mua nước giá cao vì hòn đảo này không còn nguồn nước dự trữ thì chúng tôi cũng hiểu và thông cảm. Nhưng tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần có giải pháp để người dân địa phương có nguồn nước cũng như giá mua nước ổn định”.
Ông Lê Đại, chủ một cơ sở du lịch tại xã đảo An Bình, cho hay: “Để phục vụ du khách tắm lại nước ngọt sau khi tắm biển thì ngoài việc mua nước với giá cao như mọi người, tôi còn phải chi thêm 100.000 đồng/m3 để vận chuyển từ cảng về khu du lịch. Tức là tôi phải mua nước cao gấp khoảng 40 lần so với giá nước của Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt. Với giá nước này thì bắt buộc tôi phải thu giá cao hơn khi du khách vào tắm nước ngọt. Tôi cũng hiểu với giá cao thì du khách sẽ không hài lòng, nhưng nếu không làm vậy thì chúng tôi không thể nào bù lỗ nổi”.
Tháng 9/2012, Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên xã đảo An Bình được khánh thành, đưa vào hoạt động với hy vọng sẽ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt xã An Bình đã xuống cấp. Bên cạnh đó hoạt động của hệ thống lọc nước biển phụ thuộc nhiều vào thủy triều và nguồn điện trên đảo. Hiện mỗi ngày hệ thống này chỉ lọc được 20m3 nước ngọt, thấp hơn 9 lần so với công suất vốn có.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên xã đảo An Bình có 2 tổ máy thì đã bị hỏng 1 tổ máy. Huyện đã đề nghị xã An Bình khảo sát và mời đơn vị tài trợ Nhà máy tiếp tục có khảo sát và đánh giá thiết bị, sau đó nhờ nhà tài trợ cung cấp thiết bị kỹ thuật để sửa chữa, nhất là trong thời điểm mùa hè, nguồn nước ngọt đang cạn kiệt và du khách đến đảo nhiều. Còn về lâu dài, để người dân huyện đảo Lý Sơn không còn cảnh thiếu nước sạch, chính quyền địa phương rất mong các cấp, các ngành, nhất là các nhà khoa học nghiên cứu phương pháp giúp nơi đây có nguồn nước ngọt ổn định”.