Xác định rõ trách nhiệm các chủ thể khi tham gia chương trình giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô – dôn

Mai Hạ|27/09/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cho ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện Nghị định theo hướng phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong quá trình tham gia vào các chương trình về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô – dôn; trong đó quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của các bên...

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức cuộc họp hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô–dôn. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vụ thuộc Cục, Vụ, Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

26-bt-tn1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường thông tin, việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 91), bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 92), tổ chức và phát triển thị trường các-bon (Điều 139), ngày 07/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Trước tình hình thực tế về nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP cần được sửa đổi tập trung vào: tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ các-bon, tổ chức thị trường các-bon và một số nội dung về bảo vệ tầng ô-dôn.

Ông Tăng Thế Cường cho biết, quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định được tuân thủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi 20/35 điều, bổ sung 01 điều, bãi bỏ 01 điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; sửa đổi 12 biểu mẫu, bổ sung 26 biểu mẫu, bãi bỏ 01 biểu mẫu thuộc phụ lục của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị thảo luận và trao đổi cụ thể chi tiết các nội dung về quy định tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính; quy định tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; quy định tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon; quy định quản lý bảo vệ tầng ô-dôn.

Các đại biểu cũng thảo luận và xây dựng nội dung về các thủ tục hành chính (TTHC), Các TTHC được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, đẩy mạnh xã hội hóa và số hóa, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, Dự thảo Nghị định đã bổ sung mới 09 TTHC; sửa đổi theo hướng minh bạch hóa, đơn giản hóa 02 TTHC trên tổng số 04 TTHC quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; xã hội hóa cho các tổ chức có đủ điều kiện tham gia thực hiện 02 TTHC và có giải pháp để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống đăng ký quốc gia…

Trên những ý kiến xây dựng tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ về phương hướng, giải pháp chiến lược trong thời gian tới phải “Kiên định phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm…” Do vậy, sẽ tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… tất cả sẽ hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng “0”.

26-bt-tn.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể, đưa ra những điều chỉnh phù hợp để khi triển khai các chính sách pháp luật có thể dễ dàng đi vào cuộc sống

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, những nội dung như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô – dôn, quy định tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon… đều là những vấn đề được cả thế giới quan tâm. Đây cũng là những vấn đề vừa mới, vừa khó trong các nội dung về xây dựng thị trường, quản lý tín chỉ các-bon… Vậy nên, việc sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với thực tiễn phải chắc chắn, toàn diện. Những vấn đề “đủ chín”, đã rõ cần quy định chặt chẽ, những vấn đề còn nghiên cứu, bổ sung, cần từng bước có những thí điểm để từ đó hoàn thiện về mặt lý luận, thực tiễn và pháp lý.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể, đưa ra những điều chỉnh phù hợp để khi triển khai các chính sách pháp luật có thể dễ dàng đi vào cuộc sống. Chỉ ra những nội dung thế giới đang thực hiện để cập nhật, hoàn thiện theo các tiêu chí thế giới đặt ra.

Cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện Nghị định theo hướng phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong quá trình tham gia vào các chương trình về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô – dôn; trong đó quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của các bên trong việc quản lý, kiểm kê, đo lường, định lượng đối tượng phát thải, cũng như đưa ra các mục tiêu, chương trình giảm phát thải, công nghệ giảm phát thải… Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện và cải cách mạnh các thủ tục hành chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xác định rõ trách nhiệm các chủ thể khi tham gia chương trình giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô – dôn