(Moitruong.net.vn) – Năm 2017, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 443 vụ vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
>>>Vĩnh Phúc: Xử lý hàng chục vụ vi phạm môi trường, lâm nghiệp
>>>>Bắc Giang xử phạt 70 triệu đồng do vận chuyển lâm sản trái pháp luật
Lực lượng Kiểm lâm Bắc Giang trao đổi nghiệp vụ xử lý vụ vi phạm
Tang vật, phương tiện vi phạm tịch thu gồm: 178,3 m3 gỗ các loại, 183,5 kg lâm sản ngoài gỗ, 26 cá thể động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm, có tổng trọng lượng là 34 kg và 24,6 kg động vật rừng thông thường; 01 xe Ô tô, 25 xe máy, 19 cưa xăng; thu nộp ngân sách 4.642,3 triệu đồng.
Để đạt được kết quả trên, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Chính vì vậy, các văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời, có nội dung cụ thể, rõ ràng; đặc biệt, trong công tác chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên trái phép, PCCCR. Từ đó, đã chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị cơ sở.
Năm 2018, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh với khẩu hiệu “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Với một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ như sau:
Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững trên 153.800 ha rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch; gắn bảo vệ môi trường, sinh thái với phát triển kinh tế rừng. Trong đó: Quản lý bảo vệ nghiêm ngặt diện tích trên 13.000 ha đất rừng đặc dụng, bảo vệ hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật rừng; bảo vệ và phát triển trên 21.000 ha đất rừng phòng hộ, gắn bảo vệ môi trường với phát triển du lịch; nâng cao năng suất, giá trị trên 119.000 ha đất rừng sản xuất; khai thác, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, rừng trồng sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng, đặc biệt là người dân miền núi.
Bảo vệ chặt chẽ toàn bộ diện tích trên 58.000 ha rừng tự nhiên hiện có; trồng mới từ 5.000 rừng tập trung, 1,7 triệu cây phân tán; khai thác, tiêu thụ khoảng 400.000m3 gỗ rừng trồng/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.000,0 tỷ đồng (theo đơn giá cố định năm 2018), năm 2018 nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 37,3%.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đổi mới nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch 03 loại rừng đã được phê duyệt; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy chế quản lý từng loại rừng của Chính phủ; rà soát, hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ quản lý; giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ quản lý rừng đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở.
Tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối trong công tác bảo vệ rừng; nhất là diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để rừng trên địa bàn quản lý bị cháy, phá nhưng không phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời.
Tham mưu chỉ đạo các chủ rừng là doanh nghiệp, Ban quản lý rừng không có tổ chức kiểm lâm thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định tại Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016; khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định.
Tham mưu tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng; thực hiện nghiêm việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp và trồng rừng thay thế; quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện tốt Phương án PCCCR; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng cháy; phát hiện kịp thời, tổ chức chữa cháy rừng theo phương châm ‘‘4 tại chỗ”; kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng; huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương dập lửa khi có cháy rừng xảy ra; đảm bảo an toàn về người và tài sản khi chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Đặc biệt, phối hợp với lực lượng Công an làm tốt công tác điều tra, xác minh truy tìm nguyên nhân, đối tượng vi phạm trong các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; coi trọng việc nắm bắt tin báo, tố giác những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
Dương Đại Tiến