Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), thời gian gần đây, các cơ quan truyền thông đã phản ánh tình trạng người dân tiếp tục vứt xác lợn chết, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh DTLCP ra môi trường tại một số địa phương như: Hậu Giang, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng… làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã huy động các lực lượng của địa phương tổ chức giám sát, phát hiện và kịp thời thu gom, tiêu hủy xác lợn chết vứt ra ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, rạch…) trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện xác lợn chết theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường như nêu trên. Đồng thời, giao và chỉ đạo các lực lượng công an của địa phương chủ trì, phối hợp các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Bên cạnh đó, tổ chức phòng, chống và khống chế bệnh DTLCP trên địa bàn theo đúng quy định.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP cũng đề nghị các thành viên như: Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường của trung ương và địa phương có biện pháp nghiệp vụ điều tra, ngăn chặn và cần thiết xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật để kiểm soát, xử lý môi trường khi tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm từ lợn bệnh, nhất là đối với số lượng lớn lợn phải tiêu hủy theo từng địa phương, các tỉnh, thành phố khu vực miền nam vào mùa mưa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 28-8, toàn tỉnh có 876 điểm xảy ra bệnh DTLCP tại 121 trong số 156 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 21.134 con; kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy hơn 37 tỷ đồng. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi không nên tái đàn sớm để tránh thiệt hại và làm tăng nguy cơ lây lan dịch.
Chiều 3-9, UBND huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) quyết định công bố DTLCP trên địa bàn huyện. Theo đó, DTLCP xuất hiện tại gia trại của ông Đỗ Tấn Đức, ở khu phố 1, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn. Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra và lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm, kết quả 59 trong số 400 con lợn của hộ chăn nuôi nêu trên dương tính với vi-rút DTLCP. Ngay sau đó, Chi cục Thú y tỉnh đã cùng lực lượng chức năng huyện và hộ chăn nuôi tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo quy định.
Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; Tổng số lợn buộc phải tiêu huỷ là hơn 4 triệu con.
Tú Anh (T/h)