Xu thế tất yếu của báo chí trong dòng chảy chuyển đổi số

Phong Anh|02/08/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu bởi độc giả không chỉ có nhu cầu tiếp cận nhiều thông tin hơn mà còn cần nhanh, chủ động, tăng tiện ích, tăng trải nghiệm, cạnh tranh được với mạng xã hội.

bao-chi-1.jpg
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo), được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện, đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.
Đồng thời tối thiểu 20% cơ quan báo chí áp dụng mô hình thu phí bạn đọc với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa, quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; xây dựng 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia và cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực địa phương tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng, các cơ quan báo chí lớn tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 50% tổng lưu lượng truy cập…

Báo chí tích cực thực hiện chuyển đổi số

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra trong các nhiệm vụ trọng tâm “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Vì thế mà hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng (nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử; Nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; Nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí) giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo) cũng nhấn mạnh 6 quan điểm đối với báo chí Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, gồm: Phát triển và quản lý tốt nội dung báo chí trên các nền tảng số, làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển kinh tế - xã hội; Thiết lập chủ quyền trên không gian mạng, giữ vững vai trò dẫn dắt thông tin và định hướng dư luận xã hội; Nền tảng công nghệ là động lực đột phá; Người đọc, người xem làm trung tâm; Cải cách toàn diện, phát triển hệ sinh thái truyền thông số ở Việt Nam; Phát triển mô hình truyền thông số, tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam với các nền tảng xuyên biên giới.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hoá. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm và cho đó là mình đã thực hiện chuyển đổi số. Nhưng vấn đề không phải như vậy.

"Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.

Theo ông Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân của mình.

Báo chí đa phương tiện truyền tải thông tin tích cực

Thời gian qua, thông tin trên các nền tảng mạng xã hội ở nhiều thời điểm đã “lấn át” thông tin báo chí chính thống. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội lại đang trở thành phương thức tiếp cận thông tin thường xuyên, phổ biến của đại đa số người dân, trong đó đặc biệt là người trẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trên mạng xã hội mỗi ngày có khoảng 100 triệu thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia, có khả năng xử lý khối lượng thông tin này, qua đó phân loại, đánh giá tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cũng hơn một lần cho rằng, báo chí cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Muốn vậy báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, tăng cường các thông tin chính thống, tích cực, chủ động để lấn át các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

bao-chi-2.jpg
Thời gian qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức thành công nhiều chương trình tọa đàm, diễn đàn khẳng định vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững

Phương thức tiếp cận thông tin của độc giả, khán thính giả đã thay đổi theo xu hướng mới và hiện đại. Do vậy cách truyền tải, phát hành thông tin báo chí chính thống cũng không thể theo các phương thức truyền thống.

Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã và đang đa dạng hóa các kênh, hình thức thể hiện các bản tin, chương trình, tọa đàm, diễn đàn được truyền trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như: Fanpage, Youtube, Tiktok, bên cạnh ấn phẩm Tạp chí điện tử truyền thống.
Tại Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, hoạt động chuyển đổi số báo chí được thể hiện rõ nét qua việc phát triển theo mô hình báo chí đa phương tiện, với tốc độ cập nhật tin tức hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt là những thông tin liên quan đến môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Các ấn phẩm Tạp chí Môi trường và Cuộc sống hàng tháng, Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn, bản tin truyền hình Môi trường và Cuộc sống, các chương trình tọa đàm, Talkshow Câu chuyện ngày xanh, hội thảo,.. là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia, người nổi tiếng cùng nhau bàn luận các vấn đề về nước sạch, môi trường.

Theo xu thế phát triển, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã mở văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc tại các miền đất nước. Cụ thể: Ngày 19/10/2018, ra mắt Văn phòng Đại diện khu vực Nam Trung Bộ; Ngày 24/11/2018, ra mắt Văn phòng Đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 10/6/2023 vừa qua đã khai trương Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung Bộ. Việc có 3 Văn phòng đại diện thể hiện sự lớn mạnh của Tạp chí, từng bước hòa nhập xu hướng trong thời cuộc chuyển đổi số của thời đại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xu thế tất yếu của báo chí trong dòng chảy chuyển đổi số