(Moitruong.net.vn) – Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội vừa kiểm tra sự cố đê điều trên tuyến đê tả Đáy do ảnh hưởng của đợt mưa lũ bão số 2 gây ra thuộc địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa.
Xuất hiện nhiều sự cố sạt lở đê tả Đáy ở Thanh Oai, Ứng Hòa và Hà Đông
Theo đó, sự cố sạt mái đê thượng lưu đê tả Đáy tương ứng vị trí K21+375 đến K21+395 thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, sau trận mưa ngày 13/7 đã xuất hiện cung sạt dài 20m, đỉnh khối sạt tụt xuống từ 3 đến 5cm. UBND phường Yên Nghĩa đã đào giật cấp và đắp lại. Hạt Quản lý đê Hoài Đức đã phối hợp và giám sát kỹ thuật trong quá trình xử lý.
Về sự cố lún sụt, sạt lở bờ tả sông Đáy, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai: Kè Mọc Xá được tu bổ năm 2010, do UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư, hiện có hai đoạn bị lún, sạt. Cụ thể, đoạn 1, lún nứt dọc đường đỉnh kè Mọc Xá tương ứng từ K41+180 đến K41+200 dài 20m, rộng 4cm, chiều sâu lún xuống là 5cm. Vết nứt có dấu hiệu xuất hiện từ năm 2015, sau đó phát triển dần. Tương tự, đoạn 2, sụt mái kè Mọc Xá tương ứng K41+350 đê tả Đáy chiều rộng trong hố sụt từ 1 đến 1,5m, sâu từ 5 đến 7cm. Hiện tượng lún sụt xuất hiện từ năm 2015 sau đó phát triển dần.
Khu vực thôn Đa Ngư dân cư sinh sống từ lâu đời sát bờ sông, tương ứng từ K40+400 đến K40+800 dài khoảng 400m, một số bụi tre dọc theo khu vực nhà thờ sát bờ sông đã bị tụt xuống sông Đáy. Đặc biệt tại vị trí tương ứng K40+750 đường dân sinh sát mép bờ sông bị lún sụt dọc theo sông là 6m, rộng 1,5m, sâu từ 5 đến 10cm.
Về sự cố sạt mái đê thượng lưu xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa: Sau đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 15/7 đến sáng ngày 19/7, tại vị trí tương ứng K47+230 thượng lưu đê tả Đáy đã xảy ra hiện tượng sạt mái đê; chiều dài cung sạt 31,5m, đỉnh khối sạt thấp sâu xuống 1,1m, chiều rộng khối sạt 7m, chênh cao giữa đỉnh cung sạt và chân khối sạt là 2,5m.
Để đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Oai chỉ đạo UBND xã Cao Dương tuyên truyền cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh, đồng thời, cắm biển cảnh báo, cấm người qua lại khu vực sạt lở, thường xuyên theo dõi và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo vệ khu vực đang bị sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá, đề xuất xử lý theo quy định.
Tương tự, sự cố sạt mái đê thượng lưu xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này.
M. Huệ (T/h)