Yên Bái ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản

29/11/2017 06:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 31/10/2017, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND, ban hành Quy định về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Yên Bái ban hành quy định về quản lý hoạt động khoáng sản (ảnh minh họa)

Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/11/2017 và thay thế Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND, ngày 28/6/2012 và Quyết định 22/2015/QĐ-UBND ngày 17/12/2015 của UBND tỉnh Yên Bái sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái được UBND tỉnh Yên Bái ban hành tại Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28/6/2012.

Quy định gồm có 5 chương và 30 điều. Chương I, quy định chung có 5 điều: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trình tự các thủ tục về khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; các trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; các trường hợp khai thác khoáng sản không phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Chương II, quyền lợi địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định về hoạt động khoáng sản có 9 điều: quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác; các biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoạt động khoáng sản trái phép); đảm bảo kinh phí chi cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; khai thác khoáng sản đi kèm trong khu vực khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình khai thác khoáng sản; dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác khoáng sản liên quan đến giao thông đường thủy nội địa; thực hiện và nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; phối hợp thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản.

Chương III trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý khoáng sản quy định rất rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã như: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành văn bản để thi hành pháp luật về khoáng sản, văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan lập, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; thực hiện ngăn ngừa tác động tiêu cực của khoáng sản độc hại tới môi trường khu vực và người dân địa phương; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, gia hạn, trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu…

Sở Công Thương phối hợp với các ngành thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của các dự án; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền; xử lý theo thẩm quyền…

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác khoáng sản để đề nghị quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định; hàng năm tổng hợp dự toán thu chi ngân sách hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước…

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm hoạt động khoáng sản trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại khoáng sản; thường xuyên kiểm tra địa bàn có hoạt động khoáng sản, nhất là những nơi thường xảy ra hiện tượng khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép; kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường…

UBND cấp huyện thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản; huy động các lực lượng trên địa bàn giải tỏa, xử lý, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác của các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn…

Chương IV, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản: khi thăm dò phải đánh giá đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép; tổ chức quản lý, bảo vệ không để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong khu vực được phép thăm dò; tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác giám sát trong quá trình thi công được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Khai thác phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản… Chương V, điều khoản thi hành.

Quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên điều chỉnh về lĩnh vực này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.

Theo YBĐT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Yên Bái ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.