Phú Yên: Tôm hùm bị bệnh, người nuôi bán tháo

18/03/2018 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Gần một tháng nay, tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) bị bệnh, nguyên nhân là do mật độ nuôi dày, người nuôi trút thức ăn cho tôm xuống vịnh nhiều dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Nguồn nước bị ô nhiễm khiến tôm bị chết hàng loạt

Vịnh Xuân Đài trải dài từ phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên và xã Xuân Phương. Những ngày qua, ngày nào ở đây cũng có tôm hùm chết do bệnh sữa, bệnh cứng vỏ.

Ông Lê Minh Lộc, người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Thành cho biết: Gần tháng nay, tôm hùm bị rất nhiều bệnh, có hôm bè nuôi của tôi có đến 12 con tôm hùm ngắc ngư trồi đầu lên vì bệnh sữa. Theo ông Lộc, nếu tôm thành phẩm bán 1,6 triệu đồng/kg, thì chi phí đầu tư hết 1,2 triệu đồng, người nuôi bỏ túi 400.000 đồng/kg. Còn tôm hùm bệnh thì bán đổ bán tháo, chỉ 600.000 đồng/kg, người nuôi phải bù lỗ 600.000 đồng. “Với 12 con tôm hùm sắp đến ngày xuất bán (trọng lượng 0,6-0,8kg/con), tôi phải bù lỗ gần 2 triệu đồng, đó là chưa tính số đã bán đổ bán tháo mấy hôm trước”, ông Lộc nói.

Tương tự, ông Nguyễn Long, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, buồn rầu cho hay: Sáng sớm, tôi lặn xuống vớt tôm đừ (tôm yếu) lên bờ. Ngoài tôm bị bệnh sữa thì tôi còn phát hiện có con tôm vỏ của nó bị hàu chỉ và các sinh vật khác bám dày đến nỗi “bó” con tôm không thay vỏ được; loại này nếu tiếp tục nuôi thì cũng chết dần chết mòn. Theo kinh nghiệm của tôi, tôm khỏe mạnh thì lanh, càng que nó “gãi” (làm vệ sinh quanh vỏ) thì không sinh vật nào bám được. Còn tôm đừ thì bị hàu chỉ và các sinh vật khác “bó” vỏ riết rồi chết.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay, bệnh sữa xảy ra trên tôm hùm nuôi lồng tại thị xã Sông Cầu ở tất cả các loại tôm; trong đó, tôm hùm bông có tỉ lệ chết cao hơn hẳn. Ước tỉ lệ tôm hùm chết do bệnh sữa khoảng 10%, cá biệt có một số lồng tôm hùm bông bị nhiễm bệnh sữa chết khoảng 20-30%. Qua kiểm tra, chi cục xác định nguyên nhân gây bệnh do mật độ lồng nuôi dày làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước. Môi trường nuôi bị ô nhiễm do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép.

Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, cho biết: Kết quả các thông số môi trường không nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi khiến sức đề kháng của tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho tác nhân phát triển, dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho tôm. Trung tâm đã gửi kết quả quan trắc môi trường đến 800 hộ nuôi tôm qua tin nhắn, cảnh báo về nguy cơ môi trường của vùng nuôi.

Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Chị cục đã hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng và điều trị. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ những cá thể tôm mắc bệnh ra khỏi lồng để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Linh Lan (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Tôm hùm bị bệnh, người nuôi bán tháo