XEM VIDEO: 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2020 do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống bình chọn
1. Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết. Riêng quy định thời điểm có hiệu lực về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để thực hiện đồng bộ với thi hành Luật Đầu tư công, thực hiện sớm hơn so với hiệu lực chung của Luật. Theo đó, khoản 3 Điều 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.
Luật mới thông qua lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
2. Đại dịch Covid-19 và nỗi lo rác thải
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho những sản phẩm làm từ nhựa để phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh trên toàn cầu tăng vọt. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã sử dụng hàng trăm triệu khẩu trang, hàng triệu bộ quần áo bảo hộ cùng nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm,..và tất cả những thứ đó trở thành chất thải nguy hại. Để bảo đảm an toàn, nhiều khu cách ly, bệnh viện, khu xử lý chất thải đô thị đã sử dụng biện pháp đốt chất thải y tế, dẫn đến ô nhiễm không khí.
Đại dịch Covid-19 mang đến nhiều nỗi lo về vấn đề môi trường.
Có thể nói, Covid-19 đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực gián tiếp lên môi trường nhưng ảnh hưởng tiêu cực sẽ lớn hơn. Sự giảm nồng độ khí nhà kính trong thời gian ngắn không phải là cách bền vững để làm trong sạch môi trường. Chính đại dịch mang đến nhiều vấn đề môi trường lâu dài mà chúng ta chưa đánh giá được hết.
3. Năm 2020 nắng nóng kỷ lục, thời tiết cực đoan
Theo báo cáo Thực trạng khí hậu toàn cầu 2020, năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất được ghi nhận, sau năm 2016 và năm 2019. Nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tại Việt Nam, cùng với nắng nóng, từ đầu năm 2020, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như: mưa to kèm giông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra.
4. Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long
Nhìn lại công tác chống hạn mùa khô năm 2019-2020, được đánh giá là ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, còn gay gắt hơn cả năm 2016.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt trong mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL. Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, có nguy cơ sạt lở bờ sông và các kênh rạch, đặc biệt là trên các sông chính.
5. Mưa bão lịch sử tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề
Từ đầu tháng 10 đến cuối năm 2020, bão, mưa, lũ dồn dập xảy ra tại một số tỉnh miền trung với nhiều con số kỷ lục về lượng mưa, mức lũ.
Mưa lũ lịch sử ở Miền trung đã gây thiệt hại nặng nề trong năm 2020.
Thực tế cho thấy, mặc dù đợt mưa, lũ vừa qua diễn ra bất ngờ và lớn hơn nhiều so với các đợt mưa, lũ trước đây, nhưng thiệt hại về người do mưa lũ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong đợt mưa lũ này, lại có nhiều thiệt hại về người do sạt lở đất. Các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra một số nguyên nhân khách quan như do mưa, lũ lớn, kéo dài. Đặc biệt tình trạng sạt lở cực kỳ nghiêm trọng trên hệ thống đất đồi trước đó khô hạn, nay bị mưa lớn liên tục, trong khi rừng bị tàn phá và nhiều công trình thủy điện làm thay đổi hiện trạng địa hình khiến tình trạng thoát lũ không còn suôn sẻ.
6. Hoàn thành mốc “Một triệu cây xanh cho Việt Nam”
Chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” là hoạt động được Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng. Chính thức bắt đầu năm 2012, đến năm 2020, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã chính thức cán đích với 1.121.000 cây được trồng trong hành trình phủ xanh Việt Nam suốt 9 năm qua. Ngoài lợi ích hữu hình là những mảng xanh được hình thành trên cả nước, thì ý nghĩa lớn nhất chương trình mang lại chính là sự lan tỏa yêu thiên nhiên và hình thành nhận thức về bảo vệ môi trường đến cộng đồng, từ đó mang lại cuộc sống và tương lai tốt đẹp, trong lành hơn.
7. Tăng chế tài xử lý vi phạm tài nguyên nước và khoáng sản
Nghị định số 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2020 thay thế cho Nghị định số 33/2017/NĐ-CP góp phần bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, xả nước thải vào nguồn nước, từ đó, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
8. Ngập úng tại Nam bộ và TP. HCM vẫn là vấn đề nóng
Ngập lụt là bài toán nan giải tại Nam Bộ và TP.HCM. Dù nhiều năm qua, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này. Mùa mưa và triều cường năm 2020 xuất hiện sớm hơn quy luật hàng năm, người dân lại chịu cảnh “lội nước bì bõm”. Nguy cơ ngập úng sẽ tăng cao nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời.
9. Hiểm hoạ từ phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa đối với môi trường
Việc ồ ạt phát triển thủy điện nhỏ và vừa đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.
10. Tập đoàn Bitexco bị sử phạt 350 triệu đồng vì xây “chui” hàng trăm biệt thự khi chưa có ĐTM
Trong quá trình thi công xây dựng dự án The Manor Central Park (do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư) đã bộc lộ nhiều sai phạm trong thực hiện Luật bảo vệ môi trường, tài nguyên nước cụ thể: chất thải nguy hại không được thu gom và lưu trữ theo đúng quy định, xả thải trái phép,…
Trước những sai phạm nghiêm trọng của Công ty Cổ phẩn Bitexco tại dự án The Manor Central Park, ngày 4/9/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường số 3980/QĐ-XPVPHC. Cụ thể: Công ty Cổ phẩn Bitexco đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. Quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng), cùng với đó Công ty Cổ phần Bitexco phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời gian 9 tháng.
Ban Biên Tập Moitruong.net.vn