15,8 triệu người đã được hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng

Mai An|21/05/2020 08:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tính đến ngày 20/5, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 17.500 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người dân hưởng trợ cấp.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung vừa báo cáo Quốc hội tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đã chi 17,5 ngàn tỷ đồng từ gói hỗ trợ an sinh

Theo Bộ trưởng Dung, tính đến ngày 20/5, số tiền địa phương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 17,5 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2 nghìn tỷ đồng. Các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng, trong đó số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người với kinh phí gần 11.400 tỷ đồng. Hiện đã có 34 tỉnh, thành phố cơ bản chi trả xong.

Người lao động trong doanh nghiệp, người không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành là gần 4 triệu. Riêng TP HCM phê duyệt danh sách và chi trả cho hơn 1.200 cá nhân, doanh nghiệp với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Có 9 địa phương gồm TP HCM, Đăk Nông, Đăk Lăk, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai đã chi hỗ trợ cho hơn 50.300 người bán lẻ xổ số lưu động với tổng kinh phí gần 45,3 tỷ đồng.

Sáu tỉnh thành gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng mở rộng nhóm hỗ trợ so với Nghị quyết của Chính phủ. Những tỉnh này chi hỗ trợ người có công, người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng; hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; giáo viên, nhân viên trường mầm non, phổ thông ngoài công lập… Tổng số người được hỗ trợ thêm là 17.800, với kinh phí khoảng 19,1 tỷ đồng.

Từ ngày 1/4 đến hết 20/5 có trên 192.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, số tiền tính theo lũy kế chi trả gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Dung, một số địa phương có cách làm sáng tạo như Hà Tĩnh và Bình Định xây dựng phần mềm riêng quản lý dữ liệu, lọc người trùng lặp. Nhiều người dân tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; hai người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; một hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội…

Đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các Bộ, ngành và địa phương nhìn chung đã quán triệt sâu sắc và tập trung hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Gói hỗ trợ của Chính phủ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân cả nước, người dân phấn khởi đón nhận. Đến nay các chính sách được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, giữa các cơ quan chuyên môn ở các cấp địa phương và Trung ương thường xuyên trao đổi, phối hợp để giải đáp, hướng dẫn. Các kiến nghị, thắc mắc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp tới Tổng đài 111 cũng như đường dây nóng của Bộ cũng được trao đổi, giải đáp kịp thời.

Các địa phương bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc của Nghị quyết 42 là hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ cho một số đối tượng chính sách.

Theo nghị quyết của Chính phủ, khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ gián tiếp.

Người dân huyện Kim Bảng (Hà Nam) nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách

Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ LĐ-TBXH đã xử lý một số vụ việc.

Bộ trưởng cho biết, tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận.

Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.

Trong đó, Ban Thường vụ huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự Đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã.

Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho 6 người nghèo. Bộ đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh địa phương rút kinh nghiệm và đã chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho đối tượng.

Bộ LĐTB&XH đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương và quyết liệt triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng.

Mai An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
15,8 triệu người đã được hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng