Theo Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S), tháng 10 năm nay phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của tháng 10/2019.
Bà Samantha Burgess - Phó Giám đốc C3S cho biết: "Kỷ lục bị phá vỡ 0,4 độ C, là mức chênh lệch rất lớn". Bà Samantha Burgess mô tả sự bất thường về nhiệt độ trong tháng 10 là rất khắc nghiệt.
"Khi chúng tôi kết hợp dữ liệu với Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), chúng tôi có thể nói rằng đây là năm ấm nhất trong 125 nghìn năm qua" - bà Burgess nói thêm.
Chuyên gia khí hậu Michael Mann tại Đại học Pennsylvania cho biết: "Hầu hết những năm El Nino đều phá kỷ lục, bởi vì sự ấm lên toàn cầu từ El Nino cộng thêm các tác nhân do con người gây ra".
Biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng cực đoan ngày càng tàn khốc, trong đó có lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, những đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Nam Mỹ và mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử được ghi nhận ở Canada.
Ông Piers Forster - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leeds cho hay: "Chúng ta không được để những trận lũ lụt tàn phá, những đám cháy rừng, bão và những cơn sóng nhiệt tàn khốc mà chúng ta chứng kiến trong năm nay trở thành hiện tượng bình thường mới. Bằng cách giảm nhanh lượng khí thải nhà kính trong vòng 10 năm tới, chúng ta có thể ngăn chặn một nửa tốc độ ấm lên".
Dù các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu cắt giảm dần lượng khí thải, lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022.
Còn tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhận định mùa hè 2023 có nhiều kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận, trong đó tháng 5 nắng nóng đỉnh điểm do tác động của việc nóng lên toàn cầu chứ chưa phải là tác động của El Nino. Tháng 4 có bốn đợt nắng nóng diện rộng, trong đó tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ kéo dài 8 ngày, nhiệt độ phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Tháng này có 12 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận.
Tháng 5 nóng nhất mùa hè 2023 với 5 đợt gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng. Riêng Bắc và Trung Bộ trải qua 16 ngày trên 35 độ, chủ yếu 38-40 độ C. 44 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng này, riêng Bắc Bộ có 22 tập trung ở Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Nội và Ninh Bình. Ngày 6/5, Lạc Sơn (Hòa Bình) nóng 43,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1966 khoảng 1,4 độ C. Ngày 17/5, trạm Hà Đông (Hà Nội) ghi nhận 41,3 độ C, cao hơn kỷ lục ba năm trước gần nửa độ.
Các kỷ lục ở miền Trung được ghi nhận từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Trong đó, ngày 7/5 Tương Dương (Nghệ An) nóng 44,2 độ C, cao nhất lịch sử quan trắc ở Việt Nam, vượt qua kỷ lục cũ bốn năm trước tại Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C.
Có 21 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng 6, tất cả ở Bắc Bộ, tập trung ở Sơn La với 7 kỷ lục. Ngày 1/6, Mường La (Sơn La) nóng 43,8 độ, vượt kỷ lục cách đây hai năm 3 độ. Cùng ngày, điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển là Sa Pa (Lào Cai) lên 29,4 độ, cao hơn kỷ lục cách đây 45 năm 1,5 độ C.