3 nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại TP Hồ Chí Minh

Trọng Nhân|06/11/2020 04:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Biến đổi khí hậu (BÐKH) là hiện tượng tự nhiên mang tính toàn cầu. Dự báo TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương sẽ bị ảnh hưởng nhiều  nhất. Ðể ứng phó, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và thích nghi với tình trạng BÐKH.

BĐKH đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, làm băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… Từ đó, dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm…

Ảnh hưởng của BĐKH khiến TP.HCM thường xuyên bị ngập nước.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thì TP Hồ Chí Minh là một trong mười thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi BÐKH. Dự báo về nguy cơ BÐKH và nước biển dâng của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cho thấy: đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là 75 cm. Khi đó, 204 km2 chiếm 10% diện tích của TP Hồ Chí Minh bị ngập và năm 2100 sẽ có 472 km2 chiếm 23% diện tích thành phố sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Ðây là cảnh báo về những nguy cơ từ BÐKH mà TP Hồ Chí Minh phải đối mặt vào cuối thế kỷ 21.

Là đô thị vùng sông nước, TP Hồ Chí Minh nằm trên vùng đất lầy và thấp. Sông Sài Gòn, Nhà Bè, Ðồng Nai hình thành hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc với gần 8.000 km chiều dài, bao phủ 16% diện tích thành phố. Thủy triều lên xuống thường xuyên đang gây ngập úng trên diện rộng.

Tại TP.HCM, những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Thống kê cho thấy, năm 2014 TP.HCM có khoảng 154 xã, phường thường xuyên ngập úng. Đến năm 2050, Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) dự báo con số này lên đến 177, chiếm 61% diện tích của thành phố. Theo dự báo, trong 10 năm tới, nhiệt độ trung bình ở TP.HCM sẽ tăng 0,5-0,8 độ C.

Trước thực trạng trên, tại Việt Nam, hầu hết các địa phương đều triển khai nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, với năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, Việt Nam mong muốn có sự chia sẻ, hợp tác và giúp đỡ của các quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Trong chiến lược quốc gia về được BĐKH Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg nêu rõ: Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021-2030. Ngay sau đó, UBND TP.HCM cũng đã có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, dự án do 12 Sở, ban, ngành chủ trì và giai đoạn từ 2021 đến năm 2030 với 39 chương trình, dự án do 15 Sở, ban, ngành chủ trì.

Theo kế hoạch này, TP.HCM sẽ thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm, gồm: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH và chuẩn bị nguồn nhân lực.

Với sự nỗ lực ở tất cả các ngành, các cấp (toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương), mong rằng trong tương lai Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung sẽ thích ứng với các tác động của BĐKH, giảm tính dễ bị tổn thương của cộng đồng và tăng cường năng lực để đối phó với rủi ro thảm họa.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại TP Hồ Chí Minh