Các nhà khí hậu học thế giới nghiên cứu về lũ lụt ở miền Trung Việt Nam

Ngọc Ánh (t/h)|06/11/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự kiến, trong khoảng một tháng tới, các nhà khoa học sẽ đưa ra kết luận chi tiết về lượng mưa cực đoan ở Việt Nam, vốn phần lớn là kết quả của các cơn bão nhiệt đới.

Theo Hội chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ thế giới (IFRC), các nhà khoa học thuộc nhóm Phân tích Thời tiết Thế giới đã nhất trí tiến hành một nghiên cứu chi tiết về lượng mưa cực đoan ở Việt Nam, vốn phần lớn là kết quả của các cơn bão nhiệt đới.

Trong tuần này, công tác nghiên cứu bắt đầu với việc ”định nghĩa về sự kiện thời tiết” – thiết lập chính xác các thông số về không gian và thời gian của đợt mưa trong nghiên cứu và số liệu đi kèm.

Dự kiến, trong khoảng một tháng tới, các nhà khoa học sẽ đưa ra kết luận về mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra đối với hiện tượng thời tiết cực đoan mới nhất đang diễn ra ở Việt Nam.

Trước đó, nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu về lượng mưa cực đoan ở một số địa phương khác trên thế giới, ví dụ như cơn bão nhiệt đới Imelda ở Texas, lượng mưa theo mùa cực đoan ở Nhật Bản và bang Kerala của Ấn Độ vào năm 2018, và lũ lụt năm 2017 ở Bangladesh.

Theo IFRC, mực nước các sông ở miền Trung như sông Hiếu, sông Bồ, sông Gianh và sông Kiến Giang đều ”đạt mức cao lịch sử, và tại một số địa điểm, nước lũ vượt quá mức cao lịch sử trước đó được ghi nhận vào năm 1979 hoặc 1999.”

Bão lũ các tỉnh miền Trung vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cả về người và của

Từ tháng 10 đến nay, bão lũ đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bão Molave là cơn bão gần đây nhất đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào tuần trước, cơn bão thứ 9 trong năm nay, kéo theo nhiều tuần mưa xối xả và lở đất.

Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ.

Về mặt thiệt hại, đã có 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9 là 80 người); trên 201 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở, gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.

Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).

IFRC dẫn lời Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: ”Chúng tôi rất đau lòng trước những thiệt hại về nhân mạng vì cơn bão này. Bão cũng đã đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh khó khăn.”

“Các đội cứu trợ của Chữ thập Đỏ Việt Nam đang làm việc không ngừng để giải cứu người dân và cứu trợ những người nguy cấp trong bối cảnh hàng trăm người bị đảo lộn sinh hoạt, rất nhiều ngôi nhà và sinh kế bị tàn phá trong bão.” bà Thu cho biết thêm

Nguyễn Hưng Hà, Điều phối viên Chương trình IFRC có trụ sở tại Bangkok, cho biết: “Cơn bão lớn này là một đòn giáng nữa đối với hàng triệu người đang phải vật lộn để đối phó với một số trận lũ lụt nguy hiểm nhất được ghi nhận ở miền Trung Việt Nam.”

Ước tính hiện nay, ít nhất 150.000 người có nguy cơ thiếu lương thực ngay lập tức, với hàng nghìn ha cây trồng bị phá hủy và hơn 2 triệu gia súc và gia cầm bị cuốn trôi.

“Người dân Việt Nam rất kiên cường, nhưng đây là một trong những đợt tàn phá tồi tệ nhất từng thấy ở nhiều khu vực,” bà Nguyễn Thị Xuân Thu nói thêm.

“Những cơn bão và lũ lụt không ngừng đang gây ra một số thiệt hại về người, tiếp tục phá hủy sinh kế và cô lập hàng triệu người.”

IFRC đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp gần 4 triệu franc Thụy Sĩ để cứu trợ và giúp 160.000 người ở Việt Nam có thể trở lại cuộc sống bình thường, bên cạnh khoản tài trợ trị giá 500.000 franc Thụy Sĩ của Quỹ cứu trợ thiên tai nhằm hỗ trợ công tác cứu nạn tại địa phương.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà khí hậu học thế giới nghiên cứu về lũ lụt ở miền Trung Việt Nam