34 kỳ quan vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới

Minh Hoa (t/h)|05/08/2021 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau một năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua bỏ phiếu, bổ sung 34 điểm đến vào danh sách Di sản thế giới.

Kết quả của danh sách bình chọn lần này được đánh giá dựa trên một số tiêu chí nhất định như có “giá trị phổ quát nổi bật”, “là minh chứng độc đáo hoặc hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất” hay “chứa đựng những hiện tượng tự nhiên siêu phàm hoặc những khu vực có vẻ đẹp tự nhiên kiệt xuất có tầm quan trọng về thẩm mỹ”.

Trong số 34 Di sản thế giới được ghi danh lần này, hơn 1 nửa nằm tại tại các quốc gia châu Âu. Đó là khu nghệ thuật Mathildenhohe tại Darmstadt (Đức), di sản đa quốc gia Great Spa Towns tại 7 nước châu Âu hay ngọn hải đăng Cordouan (Pháp), những bức bích họa từ thế kỷ 14 ở thành phố Padua (Italy)…

Đường sắt xuyên Iran, nối biển Caspi (phía Đông Bắc) với vịnh Ba Tư (phía Tây Nam). Ảnh: Hossein Javadi

Nhiều thắng cảnh tự nhiên đã được đưa vào danh sách, trong đó có Vườn Quốc gia Kaeng Krachan (Thái Lan) – nơi những loài thực vật và chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang sinh sống. Trong khi đó, hơn 20 điểm đến văn hóa trên khắp thế giới đã được ghi danh.

Đáng chú ý là Khu phức hợp khảo cổ thiên văn học Chankillo tại Peru, một địa điểm từ thời tiền sử từng được sử dụng để theo dõi mặt trời nhằm phân định ngày tháng trong năm. Một tuyến đường sắt xuyên Iran trải dài 1.394 Km qua hai dãy núi, được xây dựng vào những năm 1920 – 1930. Tuyến đường sắt đáng kinh ngạc này đi qua nhiều địa hình đèo dốc, 174 cây cầu lớn, 186 cầu nhỏ và 224 đường hầm, trong đó có 11 đường hầm xoắn.

Chuỗi bích họa thế kỷ 14 tại Padua (Italy). Ảnh: UNESCO

Hai địa điểm của Ấn Độ cũng được ghi nhận, bao gồm ngôi đền Ramappa (còn gọi là Rudreshwara) ở bang Telangana nhờ nghệ thuật xây dựng độc đáo, cùng thành phố cổ Dholavira ở bang Gujarat với những khu khảo cổ còn nguyên giá trị sau hàng nghìn năm.

Một dấu ấn trong kỳ họp lần này là Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã thông qua việc xóa bỏ thành phố cảng Liverpool của Anh khỏi danh mục Di sản thế giới. Ngoài ra, di tích khu mỏ Rosia Montana tại Romania là Di sản thế giới thứ 52 bị đưa vào danh sách Di sản thế giới đang bị đe dọa.

Được biết, danh hiệu Di sản thế giới lần đầu tiên được UNESCO trao là vào năm 1978 với các điểm đến gồm Vườn Quốc gia Yellowstone (Mỹ), quần đảo Galapagos (Ecuador)… Trải qua 4 thập kỷ, việc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vẫn là một vinh dự lớn với các điểm đến.

Những quốc gia có địa danh, thắng cảnh được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới có thể nhận được hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên môn từ tổ chức này để tăng cường bảo tồn và thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, bất kỳ điểm đến nào cũng có thể bị tước danh hiệu nếu các giá trị lịch sử, văn hóa tại đó bị đe dọa.

Minh Hoa (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
34 kỳ quan vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.