35 năm Công ước Vienna: Hành trình bảo vệ tầng ozone vì sự sống

Huyền Anh|16/09/2020 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đó là thông điệp của ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2020. Năm nay, thế giới sẽ kỷ niệm 35 năm Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone ra đời, đặt mốc khởi đầu cho hành trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 16.9 hằng năm được Đại hội đồng Liên hợp Quốc chọn là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn để kỷ niệm những thành công đã đạt được và khẳng định, cách duy nhất để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu là chúng ta phải cùng đưa ra các quyết định và hành động chung dựa trên cơ sở khoa học.

Năm nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những khó khăn về kinh tế và xã hội cho nhân loại, thông điệp từ các thỏa thuận về bảo vệ tầng ozone như hợp tác hài hòa và vì lợi ích tập thể càng phải được đề cao hơn bao giờ hết.

Thông điệp “Bảo vệ tầng ozone vì sự sống” nhắc nhở cộng đồng về tầm quan trọng của tầng ozone đối với sự sống trên Trái đất và chúng ta phải tiếp tục bảo vệ tầng ozone cho các thế hệ tương lai.

Chủ đề trên đã được viết dưới 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc.

Trái đất sẽ không có sự sống nếu thiếu ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ozone thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên Trái đất. Nhờ có lớp ozone ở tầng bình lưu, Trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời và giúp cho cuộc sống diễn ra bình thường như ngày hôm nay.

Do vậy, vào năm 1970, khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài người đang tạo ra một lỗ hổng trên tấm lá chắn bảo vệ này, họ đã đưa ra các cảnh báo nhằm cố gắng ngăn chặn lỗ hổng đó.

Qua nghiên cứu, tầng ozone bị đục thục bởi các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) được sử dụng trong các bình xịt và thiết bị làm lạnh như tủ lạnh và điều hòa không khí. Điều này đe dọa làm tăng tỉ lệ các bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể; phá hủy cây trồng, hoa màu và hệ sinh thái.

Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết một thỏa thuận lịch sử mang tên Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Sau đó, Nghị định thư Montreal của Công ước này ra đời.

Các quốc gia, các nhà khoa học và ngành công nghiệp đã nỗ lực hành động cùng nhau nhằm cắt giảm 99% lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone.

Để hỗ trợ thực thi Nghị định thư Montreal, Bản Sửa đổi, bổ sung Kigali có hiệu lực vào năm 2019 hướng tới mục tiêu cắt giảm khí hydrofluorocarbon (HFC)-thuộc nhóm các khí nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao và gây hại cho môi trường. Nhờ có Nghị định thư Montreal, tầng ozone đang dần hồi phục và được kỳ vọng sẽ trở về nguyên trạng trước năm 1980 vào giữa thế kỷ.

Hành trình 35 năm bảo vệ “lá chắn” của hành tinh vì tương lai nhân loại. Nguồn: Bộ TNMT

Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ tầng ô-dôn

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tầng ô-dôn tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái, ngày 26/1/1994, Chính phủ Việt Nam chính thức ký tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việt Nam đã phê chuẩn các Bản sửa đổi, bổ sung thuộc Nghị định thư như Bản sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen vào năm 1994, Bản sửa đổi, bổ sung Montreal và Bắc Kinh vào năm 2004 và mới đây nhất là Bản sửa đổi, bổ sung Kigali vào năm 2019.

Từ khi tham gia Công ước Vienna đến nay, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện nghĩa vụ của một nước thành viên trong việc góp phần bảo vệ và phục hồi tầng ozone. Cụ thể, Việt Nam đã loại bỏ hoàn toàn các khí gây suy giảm mạnh tầng ô-dôn như CFC, halon và CTC vào năm 2010, loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp từ năm 2015 (khoảng 1274 tấn HCFC-141 đã được loại trừ trong giai đoạn 2012-2015), giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở của HCFC từ năm 2020, giảm 67,5 % mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2025 và về cơ bản chấm dứt nhập khẩu HCFC vào năm 2030. Song song với việc loại trừ sử dụng các chất gây suy giảm tầng ozone, Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế luôn cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới sử dụng các hóa chất thân thiện hơn với môi trường và khí hậu.

Để đạt được những kết quả này, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều quy định và chính sách quan trọng để kiểm soát lâu dài và loại trừ các chất gây suy giảm tầng ozone. Những nỗ lực của Việt Nam góp phần bảo vệ tầng ô-dôn trong 25 năm qua đã được quốc tế đặc biệt ghi nhận.

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn các yêu cầu của Nghị định thư Montreal, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn như: Nâng cao nhận thức cho các doang nghiệp Việt Nam về lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone và chất gây hiệu ứng nhà kính bị kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal; tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính; tăng cường hiệu quả báo cáo và giám sát lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam hàng năm.

Với vai trò là một thành viên chính thức của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, đồng thời là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong hoạt động bảo vệ tầng ozone, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Huyền Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
35 năm Công ước Vienna: Hành trình bảo vệ tầng ozone vì sự sống
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.