(Moitruong.net.vn) – “Tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy” là một trong những mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết số 11-NQ/TU.
4 dòng sông ô nhiễm nặng ở Hà Nội sẽ được làm sống lại
Ngoài ra, TP Hà Nội xác định mục tiêu đối với chất thải rắn: Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt từ 95% đến 100%; phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ tiên tiến hiện đại. Thành phố cũng phấn đấu thu gom 100%; xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp. Thành phố sẽ quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung; yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường đối với số hộ có nghề có nguồn xả thải. Để giảm ô nhiễm bụi, thành phố chỉ đạo 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng các biện pháp giảm bụi…
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp chủ yếu. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy xác định sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư dự án Trạm bơm Liên Mạc giai đoạn 1 đã được phê duyệt, nhằm điều hòa mực nước giữa sông Hồng và sông Nhuệ, tạo nguồn cấp nước cho sông Tô Lịch… Chương trình thu gom và xử lý nước thải của thành phố trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn 2017 – 2020 và các chương trình chống ngập, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích… sẽ được chỉ đạo triển khai đồng bộ…