76 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam: Lời thề son sắt “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Việt Bắc|19/08/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 76 năm qua, với chặng đường vẻ vang vừa chiến đấu vừa xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ CAND Việt Nam luôn một lòng một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; không quản ngại khó khăn gian khổ, luôn nêu cao tinh thần tận tụy, sẵn sàng xả thân vì nước, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân.

Lực lượng CAND bản lĩnh, nhân văn, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Truyền thống vẻ vang

Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (CAND) ra đời ngày 19/8/1945 trong khí thế thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, với 3 tổ chức đầu tiên ở 3 miền (Sở Liêm phóng Bắc Bộ; Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ Cuộc Nam Bộ) thực hiện nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, tính mạng, tài sản của nhân dân.

Từ đó, ngày 19/8 được xác định là Ngày truyền thống CAND Việt Nam. Năm 2005, Đảng, Nhà nước đã quyết định lấy Ngày truyền thống Công an nhân dân là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm tôn vinh vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa lực lượng CAND với Nhân dân.

Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ở các giai đoạn, các sự kiện lịch sử trọng đại, trong chiến tranh cũng như hòa bình xây dựng đất nước, lực lượng CAND luôn một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kề vai sát cánh cùng các lực lượng cách mạng và Nhân dân đấu tranh làm thất bại âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến.

Xung kích trên các mặt trận

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, vì sự bình yên của đất nước và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.

Lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Lực lượng Công an đã đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, các hoạt động gây rối an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, phản động, khủng bố; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các công trình quan trọng của đất nước.

“Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân Dân” là một phẩm chất không thể thiếu trong mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam, đây là vấn đề có tính nguyên tắc của Công an nhân dân Việt Nam. Trong suốt 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, Công an nhân dân – luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ, luôn hòa mình vào dân tộc, thực hiện trọn vẹn “tận trung với nước, tận hiếu với dân” giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lòng trung thành, tận tụy ấy của Công an nhân dân đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân, đã nuôi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của họ và truyền mãi cho các thế hệ sau. Chiến đấu hy sinh quên mình dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trở thành lẽ sống cao cả, phẩm chất cao quý ”Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam.

Lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân Dân của Công an nhân dân Việt Nam được xác định, xây đắp bồi dưỡng trong mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân ngay khi bước vào đội ngũ Công an nhân dân, người chiến sĩ công an luôn tự hào đọc lên “Năm lời thề danh dự của Công an nhân dân”. Đó là những lời tuyên thệ sắt son, nhắc nhở mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân phải phấn đấu hết mình để làm tốt bổn phận là người chiến sĩ cách mạng, xứng đáng đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân Việt Nam anh hùng. Mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân trong giờ phút thiêng liêng dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc xin thề: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc.”… “Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị và Điều lệnh CAND; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến”…Với mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân, không thể nào quên cảm giác mạch máu mình như dãn ra để dòng nhiệt huyết cách mạng chảy tràn khắp cơ thể khi mỗi lời thề được cất lên, để rồi cùng đồng thanh hô vang: “Xin thề!”. Trong suốt 76 năm qua, ở đâu có bóng dáng người chiến sĩ Công an nhân dân là ở đó âm vang những lời thề son sắt. Lời thề ấy từ thẳm sâu trái tim và khối óc mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân, để rồi hàng vạn anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời bình, một cuộc chiến âm thầm, không tiếng súng, không trận tuyến rõ ràng, vô hình, nhưng đánh đổ bằng máu, mồ hôi của biết bao chiến sỹ. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, không chỉ riêng đội ngũ y, bác sĩ, mà đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tham gia trong mặt trận này. Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đã có hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ công an trực tiếp tham gia với phương châm “Mỗi cán bộ chiến sỹ công an là một chiến sỹ tiên phong trên tuyến đầu tham gia phòng chống dịch”. Ngoài nhiệm vụ giữ vững trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an còn tăng cường tuyên truyền, vận động và nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Song song đó là kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Họ phải chấp nhận xa gia đình, bám chốt, tuần tra hàng tháng trời, dưới cái nắng gay gắt của những buổi trưa hè, hay đêm đông lạnh buốt, dầm mưa trong những ngày bão lũ…. Có nhiều người gia đình có nhân thân bị mất cũng không trở về được, phải lặng người nuốt nước mắt, cúi đầu vái vọng trước bàn thờ sơ sài dựng nơi cách ly trong lúc làm nhiệm vụ. Có người không may bị tai nạn, bị nhiễm bệnh rồi không thể qua khỏi… Các anh ngã xuống, nhưng lý tưởng, khát vọng sống, cống hiến của các anh sẽ mãi còn đọng lại, để đồng đội và thế hệ phía sau tiếp bước và phát huy tinh thần ấy – một tinh thần dám hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc, bảo vệ tính mạng và cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân.

Việt Bắc

Bài liên quan
  • Cách mạng tháng Tám năm 1945 – Bước ngoặt vĩ đại của dân tộc Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc Việt Nam lên một vị trí mới với những ý nghĩa về chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Cuộc cách mạng ấy đã để lại nhiều giá trị và bài học vô cùng quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay và trong tương lai, mà thế hệ trẻ là những người gánh vác trọng trách quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
76 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam: Lời thề son sắt “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”