78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam: Sáng mãi tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Minh Lâm|19/08/2023 07:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trải qua 78 năm (19/8/1945 - 19/8/2023) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân luôn thể hiện là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

cong-an-nhan-dan.jpg
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND Việt Nam đã thể hiện sâu sắc, sinh động lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và Nhân dân

Mốc son chói lọi

Từ ngày 13/8 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào. Hội nghị nhận định cơ hội cho nhân dân ta giành quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi, Đảng chủ trương lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương. Để thống nhất lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách; đề ra đường lối đối nội và đối ngoại trong tình hình mới. Đêm 13/08/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã gửi Quân lệnh số 1 cho Đồng bào và chiến sỹ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.

Ngày 16/8/1945 cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân họp, nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và thông qua Mười chính sách của Việt Minh và Quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: "Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời. Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở 03 miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và tài sản của Nhân dân.

Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: "Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (Trước đó, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 521/QĐ-TTg, Quy định ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc").

Công an nhân dân vì Nhân dân phục vụ

78 năm song hành cùng dân tộc, ở các giai đoạn cách mạng, các sự kiện lịch sử trọng đại, CAND luôn là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; giữ vai trò “nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

tuong-dai-cong-an-nhan-dan.jpg
Khu vực tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” trên phố đi bộ Trần Nhân Tông (Hà Nội)

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, toàn diện, tạo tiền đề, điều kiện cơ bản, quan trọng để lực lượng CAND thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với vị trí, vai trò đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Công an của ta là CAND, vì Nhân dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc”, là “vũ khí sắc bén”, “là trụ cột của Đảng”.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã huy động được sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân. Phong trào ngày càng phát triển sâu rộng với nội dung, hình thức được đổi mới, sáng tạo, kết hợp giữa các loại hình truyền thống với các phương pháp hiện đại có ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm ANTT. Nhân dân đã phát huy vai trò làm chủ và thực sự là “tai mắt”, là chỗ dựa tin cậy giúp lực lượng Công an đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan
  • Cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 3 chiến sĩ Công an hy sinh tại đèo Bảo Lộc
    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 3 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai tại khu vực đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
78 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam: Sáng mãi tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”