Tòa H2O Holy Faith, gồm 90 căn hộ, là công trình đầu tiên bị nhà chức trách đánh sập hôm 11/1 ở thành phố Kochi, bang Kerala, phía nam Ấn Độ. Chỉ trong vài giây, chung cư 19 tầng biến thành đống đổ nát, trước khi tòa tháp đôi Alfa Serene chịu chung số phận. Bụi màu xám bốc lên như đám mây sau khi thuốc nổ được đặt vào các bức tường phát nổ.
Đây là hai trong số 4 tòa nhà bị Tòa án Tối cao Ấn Độ ra lệnh phá hủy vào năm ngoái vì việc xây dựng vi phạm các quy định về bảo vệ vùng duyên hải. 4 tòa chung cư với 343 căn hộ này là nơi sinh sống của khoảng 2.000 người đã bị phá hủy vào cuối tuần qua.
Khu chung cư cao cấp bị đánh sập vì xây dựng trái phép. Ảnh: AP
Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết và gọi việc xây dựng trái phép trong khu vực này là “một tổn thất lớn” cho môi trường. Tòa cũng đề cập đến thảm họa lũ lụt ở Kerala năm 2018 và cho rằng đây là kết quả của việc “toàn bộ môi trường bị suy thoái và các khu vực ven biển bị xâm chiếm bất hợp pháp”.
Một số dân trong các tòa chung cư ban đầu không chấp nhận rời đi cho đến khi bị chính quyền cắt điện nước. Bang Kerala được yêu cầu “bồi thường tạm thời” khoảng 35.000 USD cho những người bị ảnh hưởng.
Những năm gần đây, Ấn Độ liên tiếp mọc lên nhiều tòa nhà chọc trời, song quy tắc an toàn và các quy định khác dường như đã bị cả nhà đầu tư lẫn nhà thầu “bỏ quên”.
Trước khi phá sập tòa nhà, chính phủ đã phát động cảnh báo để giữ người dân trong khoảng cách an toàn, điều động xe cấp cứu và cứu hỏa đề phòng tình huống bất trắc, cũng như sơ tán 2000 người khỏi hiện trường. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại rằng hành động chôn thuốc nổ phá nhà này có thể tác động xấu đến kiến trúc của các tòa nhà lân cận.
Lê An (t/h)