Chiều 21/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, vừa ký văn bản số 161/UBND-KTN yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức di dời lồng bè nuôi cá trên khu vực sông Cái Vừng đến nơi có điều kiện nuôi phù hợp, nhằm giảm thiệt hại người nuôi cá, giúp bà con an tâm sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức tuyên truyền, tập huấn và giải thích rõ các hộ nuôi về điều kiện nuôi, vị trí neo đậu, các điều kiện cần trang bị và xử lý trong trường hợp khẩn cấp khi cá chết. Tổ chức rà soát lại các vùng nuôi cá trên sông đảm bảo điều kiện phù hợp và kỹ thuật nuôi, đặc biệt là mật độ nuôi, vị trí đặt các lồng bè cho phù hợp với quy định; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn về mặt kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho cá trong khi nuôi lồng bè; hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cá trong việc di dời, sắp xếp lồng bè tại vùng neo đậu mới.
Người dân bơm nước tạo oxy cung cấp cho các bè cá nhằm giảm bớt thiệt hại trong lúc chờ di dời bè cá đến khu vực nuôi mới.
Sông Cái Vừng là con sông giáp ranh tự nhiên giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Nơi đây có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề nuôi bè cá he, mè vinh, điêu hồng, lăng nha…Theo đó, từ ngày 5-19/2, người dân nuôi cá lồng, bè ở phường Long Sơn, thị xã Tân Châu và xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang lo lắng khi cá nuôi trong các lồng, bè tự nhiên nổi đầu rồi chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỉ đồng.
Theo kết quả phân tích mẫu cá, mẫu nước, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường của các hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Cái Vừng từ Km số 3,5 đến Km số 10 thuộc địa bàn phường Long Sơn – thị xã Tân Châu và xã Long Hòa – huyện Phú Tân (An Giang) là do thiếu oxy cục bộ.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu oxy là do mực nước trên sông xuống thấp kết hợp với dòng chảy yếu và hứng chịu nguồn nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp trong nội đồng đổ ra. Trong khi đó, người dân thả nuôi cá với mật độ khá dày.
Lê An (t/h)