Ngày 20-2, ông Lê Văn Sử – phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp và gây nhiều thiệt hại, UBND tỉnh chủ động mời các bộ, ngành trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học đến tỉnh khảo sát, đánh giá nguyên nhân.
Đến thời điểm hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh trục và kênh cấp một trên địa bàn tỉnh chỉ còn từ 0,5-1m. Trong khi đó, các kênh cấp hai, ba và kênh mương nội đồng đã khô cạn.
Qua thống kê đến chiều 19/2, toàn tỉnh Cà Mau đã có: Hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại và diện tích thiệt hại vụ Đông – Xuân đang tiếp tục gia tăng từng ngày; lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh gần 43.000 ha đã có hơn 23.000 ha (hơn 50%) diện tích báo cháy cấp bốn (cấp nguy hiểm) và cấp năm (cấp cực kỳ nguy hiểm); hơn 900 vị trí sụp, lún ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài gần 22 km. Trong đó có các công trình qui mô lớn như: tuyến Tắc Thủ -Vàm Đá Bạc (tuyến đường BT), tuyến đường trên đê biển Tây; một số cống ngăn mặn vùng ngọt tỉnh Cà Mau bị xói mòn, rò rỉ đáy…
Kênh rạch khô, cạn đã và đang tác động xấu đến sản xuất, giao thông, thuỷ lợi vùng ngọt tỉnh Cà Mau.
Những thiệt hại nêu trên, theo nhận định ban đầu từ UBND tỉnh Cà Mau là do vùng ngọt hoá của tỉnh bị thiếu nước phục vụ sản xuất, sông rạch khô cạn, chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài vùng ngọt quá lớn. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn tỉnh, hạn hán năm nay sẽ kéo dài đến tháng 5, thậm chí tháng 6, nên thiệt hại tiếp tục xảy ra nghiêm trọng trong thời gian tới.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể, có xét đến phương án ưu tiên nước ngọt phục vụ sản xuất tại một số vùng, khu vực nhất định. Các địa phương thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đánh giá nguyên nhân, đối chiếu quy định hiện hành để hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định.
Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mekong, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Do đó, mỗi khi bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ luỵ khác là sụt lún, sạt lở đất trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, giao thương hàng hóa… của người dân trong vùng.
Đây là vấn đề lớn và không chỉ riêng của tỉnh Cà Mau. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các tình huống thiên tai sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp đối phó, tuy nhiên đây vẫn là các giải pháp tình thế. Vì vậy, về lâu dài, tỉnh cần phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp với diễn biến của khí hậu.
Mai Anh (t/h)