Đồng bằng sông Cửu Long: Những tín hiệu vui trong cuộc chiến chống hạn mặn

Thanh Hương (T/h)|18/02/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sự chủ động và chung tay của chính quyền và người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã mang đến thành quả ban đầu, hạn chế mọi thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), đến thời điểm này, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vượt qua đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 từ 5-20km. Thời gian xâm nhập mặn cũng sớm hơn so với mốc cao điểm khoảng 1 tháng. Độ mặn nhiều nơi đã lên tới 26-29 phần nghìn, chính quyền các địa phương đã phải ra quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn, và vận hành các phương án ứng phó xâm nhập mặn theo kịch bản rủi ro thiên tai từng cấp độ.

Dù vượt ngưỡng báo động, nhưng thiệt hại do hạn mặn gây ra ở ĐBSCL là rất thấp. Vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn vùng xuống giống 1,5 triệu ha, đến nay, chỉ có 29.700ha bị thiệt hại (khoảng 7%). Con số này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 là 405.000ha.

Những cánh đồng lúa khô cằn do hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TR.L

Ngay từ những tháng đầu năm 2019, đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng, những dự báo được cập nhật kịp thời đến từng địa phương, từng nông hộ để chủ động ứng phó hạn mặn.

Bộ NNPTNT đã cho giảm 100.000ha vụ lúa đông xuân, tập trung ở những vùng khô hạn, thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo tính toán của bộ này, bình quân 1ha lúa cần 3.500m3 nước tưới. Nếu giảm sản xuất 100.000ha, sẽ tiết kiệm được 350 triệu mét khối nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong mùa khô hạn khốc liệt như năm nay.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ NNPTNT – cho biết, vụ đông xuân năm nay đã tổ chức xuống giống sớm từ 10-20 ngày so với lịch thời vụ để “né” thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Việc này đã góp phần giúp kéo giảm thiệt hại lúa do xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, rất nhiều dự án thủy lợi đã được rút ngắn tiến độ tới 13 tháng, kịp thời đưa vào sử dụng, giúp phát huy hiệu quả tại các vùng nhiễm mặn, khô hạn. Điển hình là Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp được đưa vào sử dụng cuối năm 2019 góp phần điều tiết mặn – ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn tác hại tình trạng xâm nhập mặn vùng lúa, hoa màu trong tiểu vùng.

Ngoài ra, các tiểu dự án Măng Thít ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, dự án Bắc Bến Tre, trạm bơm Xuân Hòa ở tỉnh Tiền Giang cũng kịp hoàn thành vào cuối năm 2019, bước đầu ứng phó hạn mặn rất hiệu quả.

Những năm gần đây, nông dân ĐBSCL đã áp dụng một kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm nước trong mùa khô hạn có tên gọi: “Tưới ngập khô xen kẽ”. Cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước, tùy vào giai đoạn, khi để khô, lúc cần thì bơm nước vào ruộng với mức tối đa không quá 5cm. Nông dân chỉ cần đặt một ống nhựa có đánh dấu để theo dõi mực nước. Nếu kỹ thuật này được áp dụng cho khoảng 1,5 triệu hecta đất trồng lúa ở ĐBSCL, mỗi năm, vùng này tiết kiệm được trên 16 tỷ mét khối nước.

Nông dân Lâm Tươi (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho hay: “Gia đình tôi có 6 công đất trồng lúa. Trước tết, tôi và người dân trong vùng dự tính làm lúa vụ 3. Sau khi được ngành chức năng khuyến cáo mặn sẽ xâm nhập sâu, hạn hán sẽ kéo dài, nên tôi quyết định cho đất nghỉ ngơi, không canh tác, nhờ vậy mà tránh được thiệt hại”.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng bằng sông Cửu Long: Những tín hiệu vui trong cuộc chiến chống hạn mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.