Cần tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước.
Sau vụ việc nguồn nước sạch ở Thủ đô Hà Nội nhiễm styren do hành vi đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà, giới chuyên gia đánh giá đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, cho thấy công tác quản lý, giám sát “an ninh nguồn nước” cũng như ứng phó sự cố còn nhiều “lỗ hổng” đáng báo động, là “hồi chuông” cảnh báo cũng như đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp mang tính tổng thể bảo vệ an ninh nguồn nước quốc gia.
Lộ diện nhiều bất cập
Theo các nhà phân tích, quản trị tài nguyên nước ở Việt Nam đã được cải thiện song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các hạn chế quan trọng đang làm giảm hiệu quả quản lý tập trung vào hoạt động giám sát, điều phối và thực thi chính sách.
TS. Hoàng Dương Tùng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định, Việt Nam quản lý nguồn nước theo quy chuẩn, trong đó nước sinh hoạt áp dụng quy chuẩn cao nhất là A1. Điều đó cho thấy, chúng ta cũng đặt chất lượng nước cho sinh hoạt là quan trọng nhất. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa quy hoạch mục đích sử dụng nước các lưu vực sông. Việc quy hoạch đã có trong Luật Tài nguyên nước song thực tế do nhiều khó khăn chưa triển khai được dẫn đến việc không biết áp dụng quy chuẩn nào để xác định mức độ ô nhiễm của nguồn nước.
Có một thực tế là, rất nhiều nhà máy dùng nước sông để cấp nước sinh hoạt, không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Khi khảo sát thực tế, phát hiện rất nhiều mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước. Cùng một đoạn sông nhưng có thể có nhiều mục đích sử dụng nước khác nhau, vừa dùng để tưới tiêu, vừa cho giao thông, lại vừa phục vụ sinh hoạt. Có nơi nước thải trang trại lợn sát nơi cấp nước sinh hoạt.
Trong sự cố dầu thải nước sông Đà có người đặt vấn đề, nếu đó không phải là dầu thải mà là một số chất độc khác thì hàng chục vạn dân đã bị ảnh hưởng sức khỏe ngay lập tức. Điều đó cho thấy, chúng ta đang có những lỗ hổng rất lớn trong quản lý nguồn nước.
Để nâng cao thể chế quản lý tài nguyên nước, nhóm chuyên gia về nước đã đưa ra những khuyến nghị tập trung vào nâng cao thể chế quản lý, quản lý nước ở quy mô lưu vực sông; tăng giá trị dùng nước trong nông nghiệp; ưu tiên chính sách nhằm giảm mức độ tác động ô nhiễm; nâng cao khả năng quản lý rủi ro; phát triển và mở rộng nguồn tài chính; tăng cường an ninh nguồn nước. Trước hết, cần nâng cao hơn nữa khung pháp lý nhằm quản lý có hiệu lực và hiệu quả; tăng cường thực thi pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến xả thải, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy định quản lý về môi trường. Quản trị toàn diện tài nguyên nước ở Việt Nam, cần được tiến hành theo quy mô lưu vực sông.
Phải xác định rõ ràng các vùng nước cấp sinh hoạt gồm đoạn nào, sông suối nào, phải đảm bảo đây là vùng cần ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, được công bố rộng rãi để người dân biết. Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình an toàn nguồn nước cấp sinh hoạt như quan trắc online, quan trắc định kỳ, hệ thống an toàn, quy trình ứng phó sự cố…
Tại các vùng được xác định là dùng cho cấp nước sinh hoạt, cần tiến hành tổng rà soát các nguồn thải, cần phải biết cụ thể những nhà máy, trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, xả thải trực tiếp hay gián tiếp để có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu không đáp ứng các yêu cầu về môi trường thì phải di dời, đình chỉ sản xuất ngay; đồng thời phải có hệ thống quan trắc chất lượng chi tiết, kết hợp quan trắc tự động và định kỳ, cùng các biện pháp bảo đảm an toàn nguồn nước.
Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước
Để đảm bảo quản lý thị trường nước sạch hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, vai trò cuả nhà nước là rất quan trọng. Hiện nay, hệ thống Luật của Việt Nam cũng đã tương đối đầy đủ, chỉ cần làm đúng theo Luật đã quá tốt, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc cho thấy việc thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Vì vậy, việc thực thi pháp luật cần phải nghiêm hơn nữa, các đơn vị liên quan cần phải có chế tài xử lý mạnh. Quy trình phải được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu vào. Trước mắt, việc phân phối nước vẫn nên để cho nhà nước quản lý, khi có những chính sách kịp thời và dễ quản lý hơn thì tiếp tục giao cho tư nhân cùng tham gia cung cấp như nhiều nước vẫn làm.
“Phải “lấy người dân làm trung tâm”, từ đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân, lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình xây dựng các quy hoạch nguồn nước. Người dân là đối tượng thụ hưởng các dịch vụ công, họ cần được được tiếp cận một cách đầy đủ, công bằng về mọi vấn đề kể cả giá cả, chi phí… Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần phải công khai minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân trong mọi quá trình để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất.
Sự cố nước sạch sông Đà khiến người dân Hà Nội lao đao.
Ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác… đồng thời Luật cũng quy định Ủy ban nhân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.
Để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhà đầu tư phải đầu tư công trình khai thác nguồn nước từ sông, suối hay từ các giếng khoan, sau đó sẽ phải xử lý để bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy chuẩn cho ăn, uống, sinh hoạt của Bộ Y tế rồi mới được đưa vào hệ thống phân phối, cấp nước đến từng hộ dân. Các đơn vị khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước cung cấp đến từng hộ dân, đồng thời phải bảo đảm việc cung cấp nước ổn định.
Các ngành, các địa phương, theo trách nhiệm của mình, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, đặc biệt là các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời.
Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.
Sau sự cố nguồn nước nhiễm dầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng Cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
Hồng Anh