An ninh nguồn nước tại Việt Nam – Bài 4: Giải pháp nào bảo vệ tài nguyên nước trước tác động của biến đổi khí hậu?

Tuệ Lâm|20/07/2020 02:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, các giải pháp tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cấp nước ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Nguồn nước là một tài nguyên quý giá, có ảnh hưởng quan trọng và quyết định đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm phục vụ cho phát triển bền vững là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày một diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; do đó, việc đảm bảo an ninh nguồn nước càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Việt Nam có tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trên đầu người thuộc mức trung bình của thế giới. Hơn 60% lượng nước ở Việt Nam chủ yếu là từ sông Hồng và sông Mê Kông đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100 m3, thuộc mức dưới trung bình.

Nguồn nước ngày càng khan hiếm, nhất là phụ thuộc vào chế độ điều tiết từ hệ thống thủy điện của các nước ở thượng lưu cùng với chất lượng ngày một xấu đi do tác động của thiên tai và nhân tai là nỗi lo kép về an ninh nguồn nước.

Tài nguyên nước Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt 

Có thể nói,  đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cũng như của mỗi quốc gia trên thế giới. Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki – moon nhân Ngày Nước thế giới năm 2015, cũng đã nêu rõ thông điệp: “Nước hết sức quan trọng và cần thiết đối với an ninh lương thực, năng lượng, đồng thời là vai trò trụ cột trong các ngành công nghiệp”.

Chính vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, theo nhu cầu sử dụng và khả năng đáp ứng về nguồn nước và những tiêu chí, mục tiêu riêng mà mỗi quốc gia, mỗi tổ chức sẽ có những tiêu chuẩn và hành động nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho riêng mình.

Theo tuyên bố Cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 2 (năm 2000), an ninh nguồn nước đồng nghĩa với việc “đảm bảo rằng các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; phát triển bền vững và ổn định chính trị sẽ được đẩy mạnh; mỗi người đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí vừa phải để có được một cuộc sống khỏe mạnh, sung túc và các cộng đồng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước”.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước, cần giải quyết được bốn vấn đề: hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường khi lấy nước từ thiên nhiên; quan hệ giữa sử dụng đất và nguồn nước; sự trả giá khi có sự chuyển đổi nguồn nước và sử dụng đất; những vấn đề xã hội cần lưu ý khi có sự khủng hoảng nguồn nước.

Đối với Việt Nam, Nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ rõ “ Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước”

Thực tế và lịch sử đã cho thấy chưa bao giờ có lộ trình hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước nào lại dễ dàng, thuận lợi. Biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu đã xảy ra chỉ vì tranh chấp nguồn nước. Có thể thấy an ninh nguồn nước là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, là điều kiện quan trọng nhất phục vụ cho sự phát triển bền vững.

Những giải pháp cụ thể

Để hiện thực hóa những vấn đề nêu trên, cần có những nội dung và giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước, từ hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học, tài nguyên nước (nước mặt và nước ngầm), đến các giải pháp công nghệ.

Cụ thể, đối với Việt Nam, để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước, cần giải quyết các vấn đề:

Trước tiên cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia, để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Sau đó cần có một hệ thống chính sách, pháp luật chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.

Thứ 3 cần phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong đảm bảo an ninh nguồn nước.

Sau cùng là việc các nhà quản lý, các nhà khoa học phải đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH rõ rệt như hiện nay.

Theo ông Triệu Đức Huy, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Việt Nam đẩy mạnh các nghiên cứu về an ninh nguồn nước nói riêng và an ninh môi trường nói chung, nhằm đề xuất các khung chính sách và giải pháp quản lý ứng phó, trong đó việc xác định các chỉ số an ninh là rất quan trọng.

Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo tác động của các phát triển thượng lưu có thể gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sớm, nhất là dự báo theo tháng, theo mùa để kịp thời có các giải pháp mang tính chủ động; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông; xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng, bao gồm các thông tin, số liệu tổng hợp về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai… để chia sẻ thông tin, dữ liệu thống nhất giữa trung ương và địa phương, các ngành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Trong đó, tập trung vào việc góp ý các tiêu chí để khoanh định, công bố các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất; đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Cần có giải pháp tháo gỡ những thách thức đối với tài nguyên nước Việt Nam

Riêng đối với việc giải quyết, tháo gỡ các thách thức về nguồn nước, đối với Việt Nam có 2 vấn đề cần phải quan tâm giải quyết:

Đầu tiên cần tăng cường tính chủ động trong quản lý và sử dụng nguồn nước (tạo nguồn trữ nước và điều tiết nguồn nước).

Thứ 2 cần giảm thiểu suy thoái nguồn nước (suy giảm nguồn nước, môi trường nước).

Mặc dù vậy, cũng cần phải nhấn mạnh rằng đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của từng cá nhân và của toàn xã hội. Chỉ có chung sức, chung lòng, chúng ta mới có thể tạo nên sự chuyển biến lớn, từng bước vượt qua tình trạng căng thẳng về nước và duy trì an ninh nguồn nước ở ngưỡng an toàn.

Như vậy, việc kết hợp đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của mọi thành phần xã hội sẽ là chìa khóa để đảm bảo an ninh nguồn nước, giải tỏa sức ép về nguồn nước cho đời sống, sản xuất và phát triển xã hội.

Đảm bảo an ninh nguồn nước được thực hiện khi ba nhân tố chính hợp tác chặt chẽ, đồng bộ và đồng thuận cao nhất đó là chính phủ, các nhà khoa học và các bên liên quan.

Chính phủ, phải xây dựng, thiết lập được các cơ chế, chính sách hợp lý; các khung chương trình quản lý nguồn nước tiến bộ và hiệu quả hơn. Trong đó, bao gồm cả những cam kết quốc tế.

Các nhà khoa học, phải cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin cũng như những giải pháp mang tính kỹ thuật đến với cộng đồng một cách chính xác và kịp thời. Còn các bên liên quan khác cũng cần phải tham gia vào quá trình hành động, thực thi các quy định, cơ chế, chính sách, pháp luật cũng như các giải pháp đã được đề ra một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Nước luôn đủ cho con người và tự nhiên, và nếu thiếu chỉ do cách chúng ta quản lý và sử dụng nguồn nước mà thôi.

Vấn đề an ninh nguồn nước đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Để giảm thiểu nguy cơ về An ninh nguồn nước đối với Việt nam, còn rất nhiều vấn đề cần phải được quan tâm, đầu tư, nghiên cứu thực hiện. Cần phải được tiến hành một cách toàn diện và đồng bộ từ những hợp tác mang tính xuyên quốc gia đến việc nâng cao nhận thức về sử dụng an toàn và tiết kiệm nguồn nước; từ nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các văn bản, khung quản lý đến nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới bao gồm cả những phương pháp và cách tiếp cận mới. Đây không còn là vấn đề của riêng bất cứ cá nhân nào mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả mọi người.

Tuệ Lâm

Bài liên quan
  • An ninh nguồn nước tại Việt Nam – Bài 3: Cần có hành lang pháp lý đủ mạnh
    Moitruong.net.vn – Vụ đổ trộm dầu thải ra khe núi gần Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng chục nghìn người dân Thủ đô Hà Nội. Từ sự cố này, đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong vấn đề giám sát, quản lý nguồn nước; đồng thời đặt ra vấn đề quy hoạch, đảm bảo an ninh nguồn nước lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An ninh nguồn nước tại Việt Nam – Bài 4: Giải pháp nào bảo vệ tài nguyên nước trước tác động của biến đổi khí hậu?