Áp thấp nhiệt đới đi ra ngoài biển Đông

Hải Dương|19/07/2019 03:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hình thành trong lòng biển Đông, thời gian qua áp thấp nhiệt đới di chuyển theo dạng đường cong Parabon, đi ra ngoài biển Đông và tan dần trên biển.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, Hồi 1h ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đông Bắc biển Đông, cách đảo Ludong (Philíppines) khoảng 210km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (từ 40-60km/h), giật cấp 9. Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bánh kính khoảng 80km tính từ tâm ATNĐ trở ra.

Dự báo trong 24h tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 1h ngày 20/7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 24,8 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ giảm xuống cấp 6 (từ 40-50km/h), giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24h tới nằm trong khoảng: Phía Đông kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc.

Dự báo đường đi của ATNĐ (Trung tâm Dự báo KTTV-QG)

Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển Đông Bắc biển Đông có mưa và gió mạnh cấp 6-7. Giật cấp 9, biển động mạnh. Độ rủi ro thiên tai do ATNĐ gây ra trên khu vực Đông Bắc biển Đông đạt mức cấp 2-3. Trong 48h tiếp theo, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng Đông Bắc, suy yếu và tan dần trên biển.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nên trong ngày và đêm nay (19/7), vùng biển tỉnh Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam) có mưa rào và giông rải rác. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6. Giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2-3,5m. Độ rủi ro thiên tai đạt mức cấp 1.

Hải Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp thấp nhiệt đới đi ra ngoài biển Đông