Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến một đô thị thông minh

Huyền Thương|28/07/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TP Vũng Tàu sẽ là địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh.

Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam của Chính phủ giai đoạn 2018 – 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Nghị quyết thông qua “Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2020 – 2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc thông minh hóa các ứng dụng trong quản lý điều hành và các ứng dụng thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân và du khách.

Theo Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng các thành tựu Công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông vào tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và dựa trên 6 đặc trưng cơ bản: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh, cuộc sống thông minh. Tất cả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

TP Vũng Tàu sẽ là địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng quản lý đô thị TP Vũng Tàu cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, thành phố sẽ triển khai phần mềm quản lý đất đai, đô thị, môi trường, giao thông, du lịch… vào áp dụng, người dân, du khách sẽ được tiếp cận các thông tin trên được dễ dàng, thuận tiện hơn.

“Ít nhất là phải số hóa về dữ liệu đất đai, nhà ở. Đưa các tiện ích vào ứng dụng như: Du lịch thông minh – du khách đến Vũng Tàu muốn được tìm hiểu về danh lam, thắng cảnh, nhà hàng thì công cụ tiện ích cung cấp cho khách. Cơ quan nhà nước thông qua đó cũng kiểm soát được lượng khách lưu trú ở các hệ thống khách sạn” – ông Thụy cho biết.

Theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, để thực hiện được mục tiêu này, sẽ có những bước đi đột phá trong việc triển khai các ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành… Từ mô hình ứng dụng quản lý đô thị thông minh của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, TP Vũng Tàu sẽ chi hơn 70 tỷ đồng để triển khai một số ứng dụng được đưa vào thử nghiệm trong 3 tháng tới.

Giai đoạn 2023-2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xây dựng và triển khai các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Giai đoạn sau 2025 tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống, mở rộng ứng dụng trên phạm vi toàn tỉnh, các lĩnh vực còn lại.

TP Vũng Tàu đang xây dựng các tuyến phố văn minh để hướng đến một Đô thị thông minh, Ảnh: VOV

Để triển khai hiệu quả Đề án này, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là:

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về các kế hoạch, nội dung thực hiện Đề án phát triển ĐTTM, tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng , ban hành cơ chế chính sách, các quy định đồng bộ, quy trình thống nhất trong việc sử dụng các ứng dụng dùng chung và chuyên ngành, các quy chế phối hợp, chương trình hợp tác; Xây dựng cơ chế chính sách thu hút, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc đầu tư, triển khai các ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước, của cộng đồng;Xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về CNTT trong cơ quan nhà nước, nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao đảm bảo đáp ứng trong quá trình khai thác, vận hành, bảo vệ hệ thống CNTT trong ĐTTM.

Tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực:Ưu tiên bố trí nhân lực vận hành, quản trị, phân tích dữ liệu cho trung tâm điều hành ĐTTM, các cơ quan trọng yếu; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập cho cán bộ, công chức về kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh thông tin; Đào tạo cán bộ chuyên trách CNTT; Đào tạo cán bộ lãnh đạo CNTT (CIO) ; Triển khai các chương trình đào tạo công dân điện tử phù hợp với từng mức độ, từng địa phương đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng các ứng dụng thông minh, dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.

Giải pháp về công nghệ và tiêu chuẩn: Ưu tiên lựa chọn, đầu tư công nghệ hiện đại, phù hợp để triển khai đô thị thông minh như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, hiện thực ảo và nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm phù hợp với các định hướng phát triển thành phố thông minh; Áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT; Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT theo hướng công nghệ hiện đại, băng thông rộng để đáp ứg nhu cầu triển khai dịch vụ, ứng dụng CNTT và truyền thôn

Giải pháp về tài chính: huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau; Huy động sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn xã hội hóa và từ các nguồn khác; Khuyến khích các hình thức thuê dịch vụ, hợp tác công tư để thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển CNTT xây dựng ĐTTM.

An toàn, an ninh thông tin: Tăng cường quản lý các thiết bị, phương tiện kỹ thuật số có tính năng lưu trữ, trao đổi thông tin để phòng ngừa lộ, lọt thông tin qua mạng. Kiểm tra an ninh và an toàn thông tin các thiết bị, phần mềm hệ thống, công cụ, phần mềm ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ; ngăn chặn, phòng chống và khắc phục nhanh các cuộc tấn công vào hệ thống; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thường xuyên tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: xây dựng Chính quyền điện tử, nhằm cải tiến quy trình quản lý điều hành; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thông minh cho người dân, doanh nghiệp như: dịch vụ hành chính công, đào tạo từ xa (e-learning), học liệu điện tử (e-library), kết nối nhà trường – gia đình, chính quyền – công dân, bệnh nhân – thầy thuốc…; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo định hướng phát triển ĐTTM trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên và môi trường, giao thông, an ninh trật tự.

Tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh liên kết: đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNTT, thu hút đầu tư của các tập đoàn mạnh về CNTT từ các nước có quan hệ hợp tác truyền thống với tỉnh; tổ chức liên kết hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các hãng CNTT-TT có uy tín ở trong và ngoài nước để đào tạo chuyên gia về CNTT-TT; thiết lập quan hệ, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt, chia sẻ thông tin và tri thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ của các tổ chức trong nước và quốc tế, các công ty đa quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm tư vấn, các chuyên gia, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng và phát triển ĐTTM.

Huyền Thương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến một đô thị thông minh