Bác Hồ với Tết cổ truyền dân tộc

Tuấn Minh|22/01/2023 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhớ đến Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam là chúng ta nhớ đến những ứng xử tuyệt vời của Người đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước.

chu-tich-ho-chi-minh.jpg
Hình ảnh Bác Hồ mãi mãi khắc sâu trong trái tim của nhân dân Việt Nam

Với Bác, mùa Xuân có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, Bác đều dành những lời thơ hay nhất, những lời ân cần nhất và cả những sự quan tâm thiết thực nhất đối với mọi người dân Việt Nam.

Trước Tết cả tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiệp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài. Còn Bác có chương trình riêng cho mình và Bác thường tự mình chuẩn bị các việc đó.

Đầu tiên, Bác tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới. Những bản thảo còn lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, viết mỗi bài thơ Người cũng dày công và kỹ lưỡng như thế nào. Có thể vì thế, những bài thơ chúc Tết của Người luôn vượt qua khuôn khổ những bài thơ chúc Tết đơn thuần. Lời thơ của Bác thật dung dị, nhưng sâu lắng hồn sông núi, là lời hiệu triệu, lời hịch giục giã quân và dân cả nước tiến lên giành thắng lợi, để “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”.

Và cuối cùng là một chương trình đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ - một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết đã thành nếp, bởi Bác cho rằng, đây là cơ hội tốt để hiểu được đầy đủ đời sống của nhân dân và cũng là niềm vui, hạnh phúc của người “đầy tớ của nhân dân” khi được tiếp xúc và nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà.

Bác vẫn thường nói: “Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc”. Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc ấy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết đồng bào. Xuất phát từ tình thương bao la của Người, nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người lao động, đặc biệt là người nghèo, đầy xúc động và ấm tình người.

Trong Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước vừa thoát khỏi hơn 80 năm dưới ách thực dân, Bác đã viết thư gửi thế hệ thanh niên: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”; và căn dặn các cháu phải thực hành đời sống mới, phải hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ… để trở thành những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bác Hồ mở đầu Tết trồng cây

Một trong những di sản tinh thần vô giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, đó là phong trào Tết trồng cây, mà đến nay và mãi về sau, chúng ta luôn luôn ghi nhớ, học tập và phấn đấu thực hiện tốt.

Từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Bác Hồ đã viết 7 bài viết về Tết trồng cây. Chỉ cần con số vậy thôi, chúng ta đã biết Bác quan tâm đến việc trồng cây gây rừng đến mức nào. Trong từng bài, Bác đưa ra những dẫn chứng, ích lợi của việc trồng cây: Vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Bài nào của Bác cũng có những dẫn chứng cụ thể, nên có tính thuyết phục cao.

Chính vì vậy, tuy thời gian này nước nhà chưa thống nhất, nhưng trên miền Bắc mọi người từ già đến trẻ, mọi thành phần đều nhất nhất hưởng ứng. Những năm đầu của thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước. Bác trực tiếp về trồng cây ở xã Vật Lại (Hà Nội). Sau này đi thăm nơi nào đó Bác đều trồng cây lưu niệm, kể cả khi đi thăm hoặc công tác ở nước ngoài. Học tập Bác, sau khi Bác mất, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều trồng cây khi đến thăm hoặc chúc Tết nơi nào đó.

Bài báo đầu tiên năm 1959 nhân Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán), Bác viết: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Bác phân tích: “Đó là cuộc thi đua dài hạn, nhưng nhẹ nhàng, mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể tham gia.”

Quả nhiên, lời kêu gọi Tết trồng cây năm ấy của Bác đã được toàn dân từ già đến trẻ tham gia nhiệt liệt. Từ thực tế nghe báo cáo kết quả của năm trước, năm sau -1960 Bác có bài: “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”, Bác nhắc nhở: “Phải nắm đúng nguyên tắc xem trọng chất lượng, nghĩa là trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng quá nhiều mà không ra sức bảo vệ và trông nom cây”.

Khi đã phát động, thì Bác theo dõi phong trào này, không chỉ có nghe báo cáo, Bác còn xuống tận cơ sở, thấy bộc lộ một số thiếu sót như thiếu hướng dẫn, việc trông nom cây đã trồng còn lỏng lẻo, còn nhiều cây trồng hỏng, bị héo chết. Thấy vậy, Bác viết tiếp bài: “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây”. Bác nhắc nhở một cách cụ thể, chi tiết hơn: “Chúng ta phải rút kinh nghiệm của đợt một, phải sửa chữa những khuyết điểm, phải có kế hoạch, có hướng dẫn, tìm thêm hạt, ươm thêm giống… phải làm đúng khẩu hiệu: “Trồng cây nào, tốt cây ấy”.

Mùa Xuân năm 1963 vào dịp kỷ niệm lần thứ 33 ngày thành lập Đảng Bác viết: “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”.

Viết bằng văn xuôi chưa đủ, Tết năm 1964 Bác còn viết thơ. Đầu đề bài, Bác viết bằng hai câu thơ:

“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Nơi nơi phấn khởi, người người thi đua”.

Nội dung dưới bài, Bác biểu dương nhiều đơn vị, cá nhân trồng cây tốt. Tỉnh Hưng Yên, năm đó có cụ Vũ Văn Lân, 104 tuổi, thôn Khoá Nhu, xã Yên Hoà, huyện Văn Lâm là người đầu tiên được Bác thưởng Huy hiệu người đã đạt thành tích xuất sắc về trồng cây và bảo vệ cây.

Mùa Xuân 1969, trước lúc mất, Bác lại có bài viết về Tết trồng cây. Trong bài này, Bác có ý tổng kết những kết quả của 8 năm Tết trồng cây, Bác chỉ ra những ưu, khuyết điểm, đồng thời cũng biểu dương nhiều đơn vị, cá nhân xuất sắc trong phong trào trồng cây. Song Bác cũng không vui vì bên cạnh những gương tốt đó còn những địa phương trồng nhiều mà cây sống ít, diện tích đồi trọc còn nhiều. Nguyên nhân là do ngành lâm nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nhưng chủ yếu là do cấp uỷ và uỷ ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây”.

Đó là bài báo cuối cùng của Bác về Tết trồng cây. Thực hiện lời Bác, không chỉ lúc Bác còn sống mà từ khi Bác mất cho đến nay và mãi mãi về sau nhân dân ta cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về nhà nhà trồng cây, người người trồng cây. Trong hàng chục cái Tết trong năm, như Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu… nhân dân ta có Tết Nguyên đán còn có thêm Tết trồng cây. Học tập Bác, noi gương Bác, từ bấy đến nay không chỉ vào dịp Tết mà trong các chuyến đi công tác các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta khi đi cơ sở hoặc đến thăm các di tích đều trồng cây lưu niệm và đấy cũng góp một phần công ích của mình cho di tích đó thêm xanh, sạch đẹp, bảo vệ môi trường, ngăn chặn lũ lụt.

Tết trồng cây thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn vì nước, vì dân, xây dựng nước nhà giàu mạnh, phát triển bền vững, quan tâm bảo vệ thiên nhiên, môi trường; được cán bộ, nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Phong trào Tết trồng cây được duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. 60 năm qua, Tết trồng cây luôn song hành cùng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Và mỗi độ Tết đến, Xuân về, các địa phương, đơn vị, cơ quan… trong cả nước lại sôi nổi tổ chức Tết trồng cây nhằm thực hiện mong muốn của Bác trong bài “Tết trồng cây” Người viết năm 1959, khởi đầu cho những mùa Xuân, những Tết trồng cây sau này:

“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Bài liên quan
  • Xuân về nơi giúp người lầm lỗi hoàn lương
    100% phạm nhân đã tiêm xong 3 mũi vắc-xin, không có phạm nhân tử vong vì Covid-19; các phân trại đều có hệ thống xử lý rác thải, hệ thống nước lọc tinh khiết,…. là một trong những điều mà PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống ghi nhận được tại trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công an những ngày giáp tết Quý Mão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bác Hồ với Tết cổ truyền dân tộc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.