Cụ thể vào lúc 2h30 phút sáng ngày 17/11, tại Trạm Thủy văn Gành Hào (Bạc Liêu) đã đo được đỉnh triều đạt cao trình +2,61 mét, vượt báo động 3 là 0,41m. Đây là mốc lịch sử mới về triều cường trong 44 năm qua (1980-2024) tại tỉnh Bạc Liêu. Mốc lịch sử cũ là đỉnh triều đạt cao trình +2,56 mét, xuất hiện vào ngày 7/12/2021.
Trước đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu thông tin, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt triều cường từ ngày 13- 21/11/2024 (kỳ triều cường Rằm tháng 10 âm lịch). Dự báo đỉnh triều cao nhất tại Trạm Thủy văn Gành Hào có khả năng vượt báo động 3 (+2,20m) từ 30-35cm, xuất hiện vào các ngày 17, 18/11/2024.
Để ngăn triều, chống ngập cho thành phố Bạc Liêu và các khu vực ven biển trong đợt triều cường này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có kế hoạch và thông báo vận hành hệ thống cống phía Nam Quốc lộ 1A (các cống trên tuyến đê biển Đông, gồm: cống Nhà Mát, cống Chùa Phật, cống Cái Cùng, cống Huyện Kệ; cống Mương 2, cống Sáu Sơn và cống Kênh số 9) cho các doanh nghiệp và các hộ dân biết để chủ động ứng phó.
Các cống mỗi lần vận hành đóng, mở cửa cống khoảng 6 giờ/lần. Thời gian vận hành đóng, mở có thể được điều chỉnh theo tình hình thực tế của thủy triều ven biển Bạc Liêu.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là thành phố Bạc Liêu và huyện Đông Hải, kiểm tra các tuyến đường, đặc biệt là nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Các địa phương chủ động kiểm tra thực địa, theo dõi, rà soát khu dân cư ven sông, kênh rạch, vùng trũng thấp có nguy cơ bị sạt lở, kiên quyết chỉ đạo, vận động và tổ chức di dời dân ở những nơi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.
Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.