[Góc nhìn tuần qua]: Chủ động ứng phó triều cường trong các tháng cuối năm

Ban Biên tập Moitruong.net.vn|02/11/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo dự báo, vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ và cả miền Đông Nam Bộ chuẩn bị bước vào đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch. Người dân cần đề phòng triều cường lên cao sẽ gây bể bờ bao, ô bao ở các vùng trũng thấp xung yếu.

Góc nhìn tuần qua: Chủ động ứng phó triều cường trong các tháng cuối năm

Theo Viện Kỹ thuật Biển (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), trong tháng 11 vùng ĐBSCL đối mặt với triều cường vượt mức báo động III trong nhiều ngày. Đỉnh triều thường xuất hiện trong khoảng 00-5 giờ và 14-17 giờ tại khu vực phía Đông và trong khoảng 3-8 giờ tại khu vực phía Tây vùng. Mực nước triều cao nhất trong ngày tại trạm Bến Lức (Long An) liên tục vượt mức báo động III trong các ngày 1-15/11 từ 10-31cm.

Cũng theo cơ quan dự báo, trong tháng 11/2024 vùng Đông Nam Bộ có mực nước triều cao nhất trong ngày vượt các mức báo động I, II, III trong nhiều ngày và thường xuất hiện khoảng 16-22 giờ và 1-6 giờ. Từ ngày 1-15/11, mực nước triều cao nhất trong ngày tại TP.HCM đều lần lượt vượt các mức báo động I, II, III trong nhiều ngày. Đặc biệt vào các ngày 2-4/11 và 12-15/11, tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) mực nước triều cao nhất trong ngày vượt mức báo động III từ 1-7cm. Tình trạng này cũng xảy ra vào ngày 3/11 và 14-15/11 tại trạm Nhà Bè - kênh Đồng Điền.

Mực nước triều cao nhất trong ngày tại trạm Thủ Dầu Một (Bình Dương) liên tục vượt mức báo động II, III trong nhiều ngày liên tiếp từ ngày 1-15/11. Đặc biệt từ ngày 1-6/11 và ngày 11-15/11, mực nước triều cao nhất trong ngày vượt mức báo động III từ 1-11cm.
Mực nước triều cao nhất trong ngày tại trạm Biên Hòa (Đồng Nai) liên tiếp vượt các mức báo động I từ 3-20cm vào các ngày 1-15/11 (trừ ngày 9/11).

Viện Kỹ thuật Biển đánh giá, nhìn chung, trong khoảng thời gian 15 ngày đầu tháng 11/2024 mực nước thủy triều tại vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ không cao như đợt triều cường vào cuối tháng 10 nhưng vẫn vượt các mức báo động I, II, III trong nhiều ngày.

Đặc biệt, theo dự báo vào tháng 11/2024 do ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% trong giai đoạn cuối năm, nên tần suất xuất hiện của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tác động này kết hợp với triều cường có khả năng gây ngập nhiều nơi.

Do đó, trong khoảng thời gian từ ngày 1-15/11 (đặc biệt là 2-6/11 và 14-15/11) các địa phương thuộc ĐBSCL và Đông Nam bộ nên lưu ý trong việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi. Đặc biệt là các hệ thống cống ven biển và các cửa sông.

Cần gia cố đê, kè (nếu có) đề phòng ngập úng theo các cấp báo động và mức độ ảnh hưởng của bão (nếu có). Đồng thời, kịp thời thông tin cho người dân về thời gian triều cường và nguy cơ ngập, ảnh hưởng của các cơn bão, hướng dẫn biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại.

Theo chuyên gia, trong năm 2024, đợt triều cường rằm tháng 9 vừa qua được ghi nhận là cao nhất đến thời điểm này. Tuy nhiên, từ nay đến hết mùa nước vẫn sẽ còn nhiều đợt triều cường, nếu gặp mưa kéo dài, mực nước có thể dâng cao bất thường. Do đó, người dân và các địa phương ven sông Tiền cần chủ động gia cố ô bao vững chắc, bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái

Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến hết năm sẽ còn các đợt triều cường cao vào kỳ Rằm ba tháng cuối năm Âm lịch do đây là giai đoạn gió mùa Đông Bắc từ phía Bắc tràn xuống, theo dân gian còn gọi là gió chướng sẽ đẩy nước biển vào sâu trong các vùng cửa sông. Cảnh báo ngập úng các đô thị như Cần Thơ, Mỹ Tho, Mỹ Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Các khu vực cồn, bãi ven sông Tiền, sông Hậu có nguy cơ ngập, đặc biệt là các bờ bao yếu thuộc các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua]: Chủ động ứng phó triều cường trong các tháng cuối năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.