Góc nhìn tuần qua

[Góc nhìn tuần qua]: Cần có giải pháp chống sạt lở, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ban Biên tập Moitruong.net.vn 26/10/2024 11:00

Những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn Mekong dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về vùng; tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất…

Góc nhìn tuần qua: Cần có giải pháp chống sạt lở, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 94% diện tích có cao độ dưới 2m, rất nhạy cảm với ngập nước, triều cường và xâm nhập mặn. Đồng bằng sông Cửu Long có địa chất mềm yếu nên rất dễ xói lở.

Trong thời gia qua, có 3 yếu tố đang tác động mạnh tới Đồng bằng sông Cửu Long là phát triển ở thượng nguồn sông Mekong; biến đổi khí hậu - nước biển dâng; lún sụt, hạ thấp lòng dẫn. Trong đó, phát triển ở thượng nguồn sông Mekong đang góp phần làm gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng xói lở bờ biển, thiếu nước ngọt. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ngập úng và làm gia tăng xâm nhập mặn. Lún sụt, hạ thấp lòng dẫn cũng làm gia tăng xâm nhập mặn, tăng ngập và khó tiêu thoát nước.

Do tác động từ phát triển ở thượng nguồn sông Mekong, dòng chảy mùa lũ ở ĐBSCL đang biến động theo xu thế giảm so với trước đây. Cụ thể, từ năm 2011 trở về trước, cứ khoảng 4 - 5 năm sẽ xuất hiện 1 trận lũ vừa hoặc lớn. Nhưng từ năm 2012 đến nay, lũ nhỏ liên tục xuất hiện và không có đỉnh lũ nào vượt báo động 3. Trong tương lai xa, khoảng 30 - 50 năm tới, số năm xuất hiện lũ lớn sẽ gần như không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ, thậm chí không có lũ.

Năm 2024, ảnh hưởng của xâm nhập mặn làm cho nhiều khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện các điểm lún đất và sạt lở, nhiều nơi thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai cũng sẽ ngày càng suy giảm về số lượng và chất lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Ðiều này làm tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt là tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông.

Để giải quyết vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu sông Mekong trong quan trắc, giám sát và chia sẻ thông tin về nguồn nước, các tác hại do nguồn nước xuyên biên giới gây ra trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong Hiệp định Mekong 1995.

Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước cũng sẽ tập trung xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nạo vét, khai thác cát, sỏi trên sông; ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ, vùng cửa sông ven biển; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông.

Bài liên quan
  • [Góc nhìn tuần qua]: Mùa ô nhiễm không khí tại Hà Nội
    Trong những ngày vừa qua, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các chuyên gia cảnh báo, mức độ ô nhiễm tại Thủ đô không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra nhiều vấn đề về môi trường và kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua]: Cần có giải pháp chống sạt lở, thiếu nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.