Tp. Hồ Chí Minh: Công ty Lam Phương và Trường Thịnh xả thải gây ô nhiễm nhưng chưa bị đình chỉ: Góc nhìn pháp lý từ chuyên gia và Luật sư
Trước đó, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn đã đăng tải bài viết về việc Công ty Trường Thịnh và Công ty Lam Phương nhiều năm qua hoạt động nhiều “không”, bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn ngang nhiên xả khí thải, nước thải ô nhiễm ra môi trường. Tuy nhiên, 2 công ty này chưa lần nào bị đình chỉ hoạt động để xây dựng vận hành hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Để có cái nhìn khách quan, đa chiều về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia và Luật sư
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, Nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho biết: Trước việc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh) và Công ty TNHH giặt sấy Lam Phương (Công ty Lam Phương) tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh hoạt động gây ảnh hưởng môi trường nhiều năm, bị xử phạt nhiều lần nhưng chưa bị đình chỉ hoạt động, trước hết tôi xin đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh công bố rõ tiêu chí khi nào các cơ sở, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường vi phạm nhiều lần sẽ bị đình chỉ và khi nào không. Đồng thời giải thích tại sao, một công ty bị phạt nhiều lần vì vi phạm môi trường mà không bị đình chỉ. Tôi đề nghị công khai vấn đề này. Bởi việc một đơn vị bị xử phạt nhiều lần trong lĩnh vực môi trường chứng tỏ đã có vi phạm và tái phạm nhiều lần, vậy lý do vì sao Sở TNMT vẫn không đình chỉ đối với đơn vị đó.
Xã, huyện không làm được thì tôi đề nghị Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh trả lời. Nếu không tôi đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh vào cuộc trả lời cho người dân và báo chí. Bởi chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế lấy môi trường. Đây là vấn đề được chỉ đạo quán triệt từ trên xuống dưới. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân xung quanh đó và để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này, bà An nói.
Kiến nghị về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho hay: Mặc dù vấn đề môi trường rất được lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh quan tâm nhưng tại sao vấn đề này lại không được xử lý triệt để. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng chậm ngày nào là ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân huyện Bình Chánh ngày đó. Tôi xin kiến nghị, UBND Tp. Hồ Chí Minh nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố, đặc biệt là Sở TNMT xuống kiểm tra trực tiếp và trả lời vấn đề vì sao đơn vị vi phạm nhiều lần như vậy vẫn chưa đình chỉ.
Luật bảo vệ môi trường quy định rất rõ về tiêu chí đối với các đơn vị doanh nghiệp khi hoạt động như: Không gây ô nhiễm không khí, khi xả thải ra ngoài môi trường phải được thu gom và xử lý theo quy định, .... Luật đã quy định, nếu ai vi phạm đồng nghĩa với việc đang vi phạm luật. Mà đã vi phạm luật thì cần xử lý. Vì vậy, bước đầu tiên, tôi đề nghị các đơn vị cấp phép cho kiểm tra, cho đánh giá và cho công khai. Sau đó, nếu đơn vị vẫn không thực hiện đúng theo các quy định thì các cơ quan chức năng phải có giải pháp đầu tiên là tạm đình chỉ, sau đó là đình chỉ.
Chúng ta thực hiện phát triển bền vững theo ba trụ cột: Kinh tế, Môi trường và Xã hội. Không thể để lệch bên nào. Không thể vì lợi nhuận mà chúng ta để môi trường bị ảnh hưởng. Hoặc chúng ta chỉ quan tâm môi trường mà không phát triển kinh tế cũng không được. Muc tiêu phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt của đất nước ta, vì vậy các đơn vị hoạt động cần tuân thủ luật và đi đúng theo mục tiêu phát triển của đất nước.
Cần phải làm rõ nguyên nhân nào khiến cho doanh nghiệp “nhờn luật”
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Theo thông tin sự việc ở trên thì doanh nghiệp này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi về mức tiền phạt khác nhau, tuy nhiên điều đáng chú ý là những vi phạm này xảy ra liên tục, trong đó có nhiều lỗi vi phạm lặp đi lặp lại, và thiếu các giấy tờ quan trọng để chứng minh những điều kiện đảm bảo về an toàn cho môi trường. Nếu cứ để doanh nghiệp vi phạm, xử phạt rồi lại tiếp tục vi phạm như vậy thì rõ ràng là sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật và việc xả thải ra môi trường như vậy rõ ràng là sẽ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sinh thái và đời sống của những người dân sống xung quanh khu vực này.
Theo quy định tại điều 4, Nghị định số 45/2022/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có quy định:
Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen (sau đây gọi chung là giấy phép) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;
- b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật;
- Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp hành vi vi phạm của cơ sở không gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở đã chấm dứt hành vi vi phạm hoặc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Thời điểm đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn được tính từ thời điểm cơ quan nhà nước đã giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công.
3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định sau đây:
a) Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu do vi phạm hành chính gây ra;
b) Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; buộc phải phá dỡ công trình, thiết bị để pha loãng chất thải và phải xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; buộc phá dỡ, di dời công trình, cây trồng; buộc phá dỡ công trình, nhà ở trái phép;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định; buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật; buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu độ rung đạt quy chuẩn kỹ thuật;
d) Buộc tái xuất máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chất thải nhập khẩu từ nước ngoài; buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; buộc tái xuất lô hàng chứa sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Buộc tiêu hủy máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chất thải nhập khẩu từ nước ngoài; buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại; tiêu hủy toàn bộ sinh vật biến đổi gen chưa được cấp giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen hoặc giấy chứng nhận an toàn sinh học; buộc tiêu hủy các chất và thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát bị cấm; buộc tiêu hủy toàn bộ sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về hiện trạng môi trường;
g) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
Như vậy, cần làm rõ là quá trình xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp này thì cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu do hành vi vi phạm về môi trường gây ra hay chưa. Trong trường hợp cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính nhưng không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cũng như không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép... các biện pháp hành chính như tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh thì các cơ quan chức năng này cũng cần phải giải thích, giải trình về lý do.
Nếu doanh nghiệp nào cũng bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường, liên tục vi phạm về môi trường mà chỉ bị xử phạt hành chính, không bị các hình phạt bổ sung cũng như các biện pháp hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền phạt để không phải mất các chi phí liên quan đến hệ thống xử lý chất thải, nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường... và tình trạng coi thường pháp luật sẽ trở nên phổ biến môi trường sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của những người dân sống ở khu vực đó. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người trong đó trực tiếp nhất là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp thường xuyên vi phạm về môi trường thì cần phải có những biện pháp mạnh, áp dụng các quy định của pháp luật một cách triệt để để chấn chỉnh ý thức chấp hành pháp luật cũng như làm cơ sở để thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm, khắc phục sự cố về môi trường
Trước vấn đề công ty Lam Phương và Công ty Trường Thịnh đã bị xử phạt nhiều lần nhưng tái vi phạm và không bị đình chỉ hoạt động thì trách nhiệm của các đoàn kiểm tra đến đâu?, LS Nguyễn Văn Cường cho hay: “Trên địa bàn mà để các doanh nghiệp vi phạm về môi trường thường xuyên, gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trước nhân dân, các cán bộ chuyên trách được giao nhiệm vụ về bảo vệ môi trường cần phải giải trình với cơ quan cấp trên và lãnh đạo địa phương về lý do về các giải pháp xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định và chế tài để xử lý đối với các hành vi vi phạm về luật bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Khi đã có quy định rồi, có cơ quan có thẩm quyền xử lý rồi, phát hiện ra hành vi vi phạm rồi mà doanh nghiệp vẫn không bị xử lý thì đó là vấn đề rất đáng buồn và cần phải làm rõ nguyên nhân nào khiến cho doanh nghiệp “nhờn luật” vậy và trách nhiệm trong công tác quản lý ở địa phương này được thực hiện như thế nào trong thời gian qua đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Liệu những tồn tại trong việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước PCCC của Công ty Lam Phương và Công ty Trường Thịnh sẽ được UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan ban ngành xử lý dứt điểm?.