Bắc Ninh cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển và quản lý chợ

Hoàng Thơ|17/11/2024 11:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước việc phát triển và quản lý chợ vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, Bắc Ninh đã đối thoại cùng với doanh nghiệp tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Ngày 16/11/2024, tỉnh Bắc Ninh tổ chức gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về phát triển và quản lý chợ, với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.

Phát biểu tại Chương trình gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11, ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh là địa phương có mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển khá toàn diện từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên trong công tác hoàn thiện, khả năng đáp ứng, văn minh thương mại vẫn còn một số bấp cập, tồn tại.

Phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh không được cải tạo, nâng cấp không được thường xuyên

Tại Bắc Ninh, hệ thống chợ đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, việc xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 106 chợ, với chức năng chủ yếu là bán lẻ hàng hoá thiết yếu và thực phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, đa số chợ có quy mô nhỏ, chưa có chợ đầu mối thực hiện chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hoá.

Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chợ được xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước như: Chợ Châu Cầu, chợ Trung tâm Phố Mới (Quế Võ), chợ Nam Sơn, chợ Trung tâm thị trấn Gia Bình, chợ Trung tâm thị trấn Thứa, chợ Ngã Tư Dâu (Thuận Thành)….

Tại các chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý đã dần đi vào nề nếp, tình hình hoạt động của các tiểu thương ổn định, thu hút được lượng người dân thăm quan mua sắm hàng hóa ổn định và tăng theo thời gian. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy được quan tâm, cải tiến đáng kể.

cho-lang-bac-ninh-3-1696163370537985537347.jpg
Phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh không được cải tạo, nâng cấp không được thường xuyên

Tuy nhiên, phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được đầu tư từ nhiều năm trước, trong khi việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp không được thường xuyên, liên tục, cùng với đó là công tác thu hút các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng hạ tầng các chợ xuống cấp, nhất là các chợ do nhà nước đầu tư, quản lý), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Có một số chợ công tác cháy chữa cháy không đảm bảo đã phải dừng hoạt động như Chợ Nhớn, chợ Chờ. Điển hình là vụ việc cháy xảy ra tại chợ Đọ, thành phố Bắc Ninh ngày 13/7/2022 đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng….

Không chỉ có vậy, một số chợ đã đầu tư xây dựng nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, ít tiểu thương vào họp trong khi đó tình trạng họp chợ không đúng nơi quy định chưa được giải quyết triệt để, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường...

Tại chương trình gặp mặt, đại diện một số doanh nghiệp, HTX kinh doanh chợ phản ánh, do chi phí đầu tư xây dựng dự án chợ rất lớn, phải huy động nguồn vốn nhiều, trong việc quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình chợ, nhất là khu vực nông thôn không mang lại nhiều lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn chậm nên khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư có năng lực.

Ngoài những khó khăn trên, việc đầu tư xây dựng chợ còn gặp khó do vướng... cơ chế.

Đơn cử, theo Nghị định 02/2003, Nghị định 114/2009 quy định vốn từ ngân sách hỗ trợ đầu xây dựng các đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 3 (chợ dân sinh) ở địa bàn nông thôn, trong khi không quy định chợ thành thị được hỗ trợ từ ngân sách.

Mặt khác, danh mục chợ chưa thuộc lĩnh vực, ngành nghề được quy định chính sách khuyến khích xã hội hoá theo Nghị định 69/2008 ngày 30/5/2008 của Chính phủ nên khó thu thu hút được vốn xã hội hóa đầu tư chợ.

Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 14% số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý khai thác…

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đang là rào cản đối với các nhà đầu tư chợ, kìm hãm sự phát triển hệ thống chợ của tỉnh Bắc Ninh.

Cần rà soát hiện trạng để xây dựng mô hình chợ phù hợp, hiệu quả

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp trả lời những câu hỏi, ý kiến, kiến nghị của các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các sở, ban ngành chú trọng vào câu hỏi trọng tâm để hướng dẫn phương án tháo gỡ theo từng phần trách nhiệm của mỗi đơn vị mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, hệ thống chợ ở thời điểm hiện nay cũng như về sau có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

673870b5a8beff5b04fb1e0a.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, hệ thống chợ ở thời điểm hiện nay cũng như về sau có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu từ nay đến 30/12/2024, các cơ quan chức năng cần rà soát hiện trạng những chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư từ đâu. Yêu cầu các chợ đang hoạt động xây dựng lộ trình tới năm 2027 củng cố yếu tố kỹ thật an toàn về PCCC, trên cơ sở quy hoạch xây dựng lộ trình về thu hút đầu tư; quy hoạch dịch vụ chợ. Trên quan điểm tập trung thu hút đầu từ từ nay 2027 và lộ trình 2030 xây dựng kế hoạch cụ thể của từng chợ về thời gian chuyển đổi, mô hình phối hợp lựa chọn nhà đầu tư, qua đó có vướng mắc gì để tỉnh cùng tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Sở Công thương có trách nhiệm tập hợp, chậm nhất đến 25/11/2024 trả lời cụ thể công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để gửi đến từng doanh nghiệp có ý kiến tại hội nghị hôm nay. Sở Công thương cần hoàn thành hướng dẫn cụ thể đối với từng mô hình chuyển đổi, để các nhà đầu tư quan tâm; các thức vận hành sau đầu tư để đạt hiệu quả.

Trước đó, ngày 8/10/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Văn bản số 3823 giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển và quản lý chợ như xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn đến năm 2030 để xác định mục tiêu, vị trí, thời gian, nguồn vốn đầu tư chợ; giao UBND cấp huyện rà soát hạ tầng chợ, công bố hạng chợ, xây dựng phương án xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm hàng lang, lề đường, không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Ninh cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển và quản lý chợ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.