“Bác sống như trời đất của ta… Sữa để em thơ, lụa tặng già!”

Phạm Anh|01/06/2022 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Câu thơ của Tố Hữu đã nói lên tấm lòng của Bác với thiếu nhi Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu nhi. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam

Những câu hát mỗi lần được ngân vang lại khiến mỗi chúng ta cảm nhận được một tình cảm sâu sắc, dạt dào của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cho đến ngày hôm nay, tình cảm đó vẫn lớn dần theo năm tháng, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, mãi vẹn nguyên một tấm lòng son sắt.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành” được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên nhi đồng không bao giờ ngơi nghỉ, là tình cảm yêu thương vô bờ bến không gì có thể đong đếm được.

Tình yêu của Bác không đơn giản là một tình cảm thông thường. Đó là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát từ niềm tin rằng các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh. Niềm tin, sự quan tâm của Bác được thể hiện phần nào qua những vần thơ, bức thư chan chứa tình cảm Người viết cho thiếu niên, nhi đồng. Bác viết thư cho thiếu niên, nhi đồng với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Người căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua, học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ, để đưa nước nhà “tiến kịp các nước khác trên toàn cầu”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Nam.

Mỗi bài thơ Bác viết, mỗi bức thư Bác Hồ căn dặn đều chứa đựng trong đó những tình cảm giản dị mà chân thành, gần gũi mà sâu sắc gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước. Dẫu công việc đất nước có bận bịu nhưng Bác vẫn dành thời gian quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước. Gần như năm nào, Bác cũng viết thư gửi các cháu thiếu nhi mỗi dịp khai trường hay Tết Trung thu, Tết thiếu nhi. Tấm lòng của Người đối với thiếu nhi được thể hiện qua những bức thư, những bài thơ cho đến hôm nay vẫn nguyên vẹn một tình thương yêu vô hạn.

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”…

Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong (tháng 5 năm 1961), Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng.

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem như đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1960. Ảnh TTXVN

Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1950, Bác Hồ viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc,thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả”.

Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người dạy, ngày Tết Thiếu nhi 1-6 nhắc nhủ người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”.

Ba tháng trước ngày đi xa, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Trong Bản Di Chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, và Người đã dành muôn vàn tình thương yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”.

Để đáp lại tình yêu thương to lớn của Bác Hồ dành tặng các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn luôn siêng năng học tập, rèn luyện đạt nhiều thành tích, là con ngoan trò giỏi, trở thành niềm tin tươi sáng về một thế hệ tương lai xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và có lẽ trên hết vẫn là tình cảm của bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn cứ nối dài theo năm tháng với một tình yêu vô hạn dành cho Bác Hồ kính yêu. Tình cảm đó là mạch nguồn, là sức sống trường tồn mãi cùng thời gian mà không thể xóa nhòa.

Dẫu Bác đã đi xa nhưng tình cảm của Người vẫn sống mãi trong mỗi đứa trẻ Việt Nam lớn lên trong lời ru của mẹ, lời kể của bà, lời dạy dỗ của thầy cô giáo. Năm nào cũng vậy, những đoàn thiếu niên, nhi đồng mỗi dịp năm học mới, tổng kết năm học, hay tết thiếu nhi… đều trở về bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mính để báo công dâng Bác những thành tích nổi bật trong một năm học. Những đứa trẻ có đôi mắt trong veo, những bước chân nhanh nhảu, hào hứng được vào thăm Lăng Bác trong một niềm tự hào khó gì có thể tả nổi. Từng hàng nối tiếp nhau như chính những tình cảm đặc biệt dành cho Bác cứ nối dài mãi mãi. Các cháu thiếu niên, nhi đồng được về thăm Bác, được thấy Bác gần hơn chắc chắn sẽ cảm nhận rõ nét hơn, thấu hiểu hơn về người đã dành cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho thế hệ tương lai của dân tộc là các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Mỗi năm vào dịp tháng 6, cả nước lại hân hoan chào đón ngày Quốc tế thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em và không quên lời dạy của Bác, căn dặn người lớn phải quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Người dạy, ngày Tết thiếu nhi 1/6 nhắc nhở người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”.

Nhớ về Bác, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành con ngoan, trò giỏi xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ” để đáp lại tình cảm yêu thương bao la, vô bờ bến của Người.

“Hồ Chí Minh kính yêu chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời

Hồ Chí Minh kính yêu chúng em ước sao Bác Hồ Chí Minh sống muôn đời”.

Phạm Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bác sống như trời đất của ta… Sữa để em thơ, lụa tặng già!”