Bài 1: Lộ sáng hàng loạt sai phạm của Tổng công ty xây dựng Hà Nội tại Dự án Khu Ngoại Giao Đoàn

Thủy Chi – Khánh Hà|18/08/2020 10:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều tháng nay, Dự án Han Jardin đi vào xây dựng cũng từng ấy thời gian người dân sống tại  chung cư NO1-T5 và NO1- T8 khu Ngoại giao đoàn phải sống chung với cảnh ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm, khí thải của dầu mỡ do quá trình thi công xây dựng dự án gây nên. Không những vậy, dự án đang ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, khai thác nước trái phép nhưng không hề vấp phải sự vào cuộc kiểm tra, xử lý của UBND phường Xuân Tảo và quận Bắc Từ Liêm. Nghiêm trọng hơn, việc cẩu trục tháp hoạt động bất kể thời gian, khiến người dân và người tham gia giao thông qua khu vực này vô cùng bức xúc.

VIDEO: Lộ sáng hàng loạt sai phạm của Tổng công ty xây dựng Hà Nội tại Dự án Han Jardin khu Ngoại giao đoàn

Hàng loạt các vi phạm về Luật bảo vệ môi trường

Theo tìm hiểu, Dự án Han Jardin tọa lạc tại lô đất N01- T6,7 Khu đô thị mới Ngoại Giao Đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội do Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp và Công ty CP Đầu tư bất động sản Lanmak. Dự án được khởi công ngày 27/12/2019. Công trình hiện mới được sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép số 89/GPXD để thi công phần ngầm là 03 tầng hầm. Theo thiết kế dự án sẽ được xây dựng với quy mô 45 tầng nổi + 3 tầng hầm + 01 tầng kỹ thuật + tum thang, xây dựng trên diện tích 9.432m2.

Dự án Han Jardin tọa lạc tại lô đất N01- T6,7 Khu đô thị mới Ngoại Giao Đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội do Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư

Dự án Han Jardin được giới thiệu là khu đô thị mới đáng sống nhất khu vực phía Tây Nam Hà Nội với nhiều công trình làm việc của cơ quan đầu ngành quốc tế, Bộ Ngoại Giao. Han Jardin là khu căn hộ cao cấp và tổ hợp tiện ích khép kín được xây dựng đẳng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù, khởi công xây dựng chưa lâu nhưng dự án đã liên tục bộc lộ nhiều sai phạm về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và Luật an toàn lao động.

Nhận được phản ánh của người dân về việc trong quá trình xây dựng, dự án thi công gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo công tác an toàn lao động. PV đã có mặt tại dự án để ghi nhận những bức xúc của người dân và có buổi làm việc với chủ đầu tư về những ý kiến phản ánh trên.

Mặc dù, khởi công xây dựng chưa lâu nhưng dự án đã liên tục bộc lộ nhiều sai phạm về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và Luật an toàn lao động.

Ngày 31/7/2020, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Đông và ông Hồ Quang Hải– Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án. Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Đông cho biết: Trong quá trình thi công không tránh khỏi việc ô nhiễm về tiếng ồn và bụi bặm.

Tại buổi làm việc ông Đông và ông Hải cũng chỉ cung cấp được cho báo chí một vài giấy tờ liên quan. Còn việc chấp hành các quy định của luật bảo vệ môi trường thì Ban quản lý dự án cũng chưa cung cấp được.

Ông Nguyễn Quang Đông (bên phải) và ông Hồ Quang Hải (bên trái)– Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án làm việc với PV Moitruong.net.vn

Khi được hỏi về sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả thải, báo cáo quản lý chất thải nguy hại, chứng chỉ tập huấn về PCCC cho công nhân cũng như văn bản chấp thuận của Sở Giao thông vận tải về việc đấu nối cổng ra đường chính thì ông Đông không cung cấp được, ông xin phép về kiểm tra lại và cung cấp cho báo chí vào thứ 2 tuần sau.

Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ với ông Đông, đến nay tòa soạn Môi trường và Cuộc sống vẫn chưa nhận được thêm bất kì hồ sơ nào từ phía Tổng Công ty Xây Dựng Hà Nội.

Theo cam kết trong đề án báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, hệ số phát thải chất thải rắn nguy hại từ khi thi công xây dựng cơ bản chiếm 0,02 – 0,05% tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng (IESE, 2007). Với kết quả tính toán khối lượng chất thải rắn xây dựng nêu trên, tương ứng khối lượng chất thải rắn nguy hại tối đa: 322.885 tấn x 0,02% = 64,57 tấn. Thời gian thi công 3 năm, lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh trung bình 60kg/ngày.

Tỷ lệ về thành phần khối lượng các loại chất thải rắn nguy hại chủ yếu bao gồm: chất thải rắn nhiếm dầu: 30-35%, bao bì cứng, kim loại nhiễm cặn sơn: 40-43%; Pin, acquy thải: 3-5%; Bóng đèn huỳnh quang: 2-3%; còn lại gồm các chất thải rắn nguy hại khác: que hàn thải, nhựa đường thải.

Ngoài ra, hoạt động thi công xây dựng sẽ phát sinh một lượng chất thải nguy hại với thành phần chủ yếu gồm:

– Các loại chất thải nhiễm dầu, mỡ phát sinh chủ yếu từ các hoạt động bảo dưỡng, rửa xe và vệ sinh xe, máy móc, thiết bị, khắc phục sự cố hư hỏng máy móc trong thi công. Theo kết qảu điều tra thực tế, cho thấy: tổng lượng dầu thải phát sinh trong quá trình bảo dưỡng, vệ sinh máy móc và thiết bị thi công ước tính là 5.460 lít dầu thải.

Như vậy, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong 1 năm của dự án vượt 600kg nên dự án thuộc đối tượng làm sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Theo khoản 4, Điều 21, Nghị định 155/2016/NĐ-CPquy định về xử phạt Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc không lập báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.

Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 7075/QĐ-UBND do UBND Tp. Hà Nội cấp ngày 13/12/2019 

Theo tìm hiểu được biết, tại Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 7075/QĐ-UBND do UBND Tp. Hà Nội cấp ngày 13/12/2019, phần Phụ lục các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án cũng đã thông tin rất rõ, trong giai đoạn thi công phát sinh các loại nước thải sau:

  • Nước thải sinh hoạt: phát sinh từ hoạt động của 100 công nhân, lưu lượng nước thải sinh hoạt khoảng 08m3/ngày đêm (không bố trí lán trại cho công nhân)
  • Nước thải thi công: phát sinh từ hoạt động rửa xe ra xe vào dự án, nước thải rửa xe lớn nhất khoảng 04m3/ngày đêm
  • Nước mưa chảy tràn: trong khu vực dự án kéo theo rất nhiều các tạp chất lơ lửng và các chất ô nhiễm khác trên mặt đất.

Theo quy định, toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình thi công xây dựng và vận hành của dự án phải được thu gom và xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam QCVN 14: 2008/BTNMT (cột B) trước khi thải ra môi trường, nước thải thi công phải được thu gom, xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/BTNMT (cột B) trước khi thải ra môi trường.

Theo quy định lưu lượng nước thải như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư sẽ phải lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước

Và với lưu lượng nước thải như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư sẽ phải lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo Nghị định số 201/2013/NĐ – CP ngày 27/11/2013 và thông tư số 27/2014/TT – BTNMT. Mặc dù, quy định đã rõ là vậy nhưng trên thực tế, từ khi thi công đến nay chủ đầu tư không hề thực hiện mà nước thải sinh hoạt của công nhân và nước thải thi công đang xả thải trái phép ra ngoài môi trường.

Tiếp đó, trao đổi về việc dự án có giấy phép khai thác nước dưới đất hay không?, ông Đông khẳng định: Hiện tại Dự án sử dụng nước sạch, đấu nối trực tiếp vào nguồn nước của dự án. Có đồng hồ và hóa đơn thanh toán tiền nước đã sử dụng. Vì vậy, không cần giấy phép khai thác nước dưới đất. Để chứng minh cho lời nói của ông Đông là đúng, PV đã đề nghị ông Đông cung cấp cho PV hóa đơn tiền nước sử dụng hàng tháng nhưng ông Đông cũng đã không cung cấp được.

Chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang ngang nhiên khai thác nước ngầm trái phép để phục vụ thi công khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện nay tại dự án chủ đầu tư và nhà thầu đang ngang nhiên khai thác nước ngầm trái phép để phục vụ thi công khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép, chất thải nguy hại vứt lăn lóc ngoài công trường mà không được thu gom lưu giữ theo đúng quy định của pháp luật. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì ông Đông đã từng khẳng định với PV tại buổi làm việc. Việc làm này đang vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước. Vậy các phòng ban chuyên môn của quận Bắc Từ Liêm cũng như Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Bắc Từ Liêm có nắm bắt được trong các cuộc kiểm tra hay không? Câu hỏi này PV Moitruong.net.vn xin gửi tới lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm để có câu trả lời thỏa đáng tới bạn đọc.

Việc khai thác nước ngầm mà không được cấp có thẩm quyền cho phép được quy định tại Khoản 4, Điều 42, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức phạt là 40 -50 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, dự án khu đô thị Ngoại Giao Đoàn có quy mô 62,8 héc-ta, trong đó có khoảng 13,5 héc-ta xây dựng nhà ở cao tầng, 20.2954m2 là đất cơ quan, trụ sở đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, và có tới gần 29 héc-ta là đất các công trình xã hội. Vậy câu hỏi đặt ra, hệ thống xử lý nước thải tập trung của toàn bộ khu đô thị này đã được cấp giấy phép xây dựng và đi vào vận hành hay chưa?

Nước thải trong quá trình thi công chảy tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường

Mặc dù có hợp đồng thu gom và vận chuyển chất thải xây dựng (đất, đá, bê tông thừa, vữa thừa, xà bần và các loại rác thải xây dựng khác) thế nhưng tại phiếu xác nhận vận chuyển mà chủ đầu tư cung cấp cho PV lại không chứng minh được việc thu gom vận chuyển đất đào được từ 03 tầng hầm mà chỉ cung cấp được biên bản nghiệm thu khối lượng vận chuyển vật liệu xây dựng.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho biết, phần thu gom vận chuyển đất là giai đoạn thi công trước và chủ đầu tư ký hợp đồng thu gom vận chuyển đất với 1 đơn vị khác. Tuy nhiên, khi PV đề nghị chủ đầu tư cung cấp hợp đồng về việc thu gom vận chuyển đất thì đại diện chủ đầu tư không cung cấp được. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, toàn bộ số lượng đất trong quá trình thi công phần hầm của dự án được vận chuyển đi đâu? Có hay không việc chủ đầu tư tận dụng đất trái phép đem đi tiêu thụ để trục lợi?.

Không những vậy, Dự án chưa được Sở Giao thông vận tải Hà Nội chấp thuận biện pháp đấu nối mở cổng, nhưng nhiều tháng qua Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội đã tự ý đấu nối 3 cổng trái phép vào đường chính để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu vào trong công trường phục vụ cho việc thi công xây dựng dự án Han Jardin. Vậy, cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm và Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang ở đâu khi để cho chủ đầu tư ngang nhiên tự tung tự tác hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật?

Các thùng chất thải nguy hại không được thu gom và lưu trữ theo đúng quy định

Chủ đầu tư, nhà thầu thi công “phớt lờ” quy định?

Theo phản ánh của người dân, việc thi công xây dựng dự án còn nhiều vấn đề khác gây bức xúc. Cụ thể, chủ đầu tư là Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội và nhà thầu thi công chưa tuân thủ các quy định, coi thường sự an toàn và tính mạng của người tham gia giao thông.

Một người dân bức xúc cho biết: “Cần trục tháp hoạt động vươn cánh tay sắt vắt vẻo ra giữa đường đông đúc vào ban ngày khiến chúng tôi sống ở đây cũng lo sợ mỗi khi đi bộ qua dự án này. Theo tôi được biết thì cẩu tháp chỉ được hoạt động theo khung giờ quy định, không hiểu sao đơn vị thi công này vẫn ngang nhiên bất các quy định của pháp luật hoạt động coi thường tính mạng của người đi đường như vậy”.

Cần trục tháp hoạt động vươn cánh tay sắt vắt vẻo ra giữa đường đông đúc vào ban ngày gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Trước đó, tại văn bản số 2380/SXD-GĐXD ngày 26/3/2020 được Sở Xây dựng chấp thuận về việc hồ sơ biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn cho cần trục tháp phục vụ thi công tại dự án Tòa nhà hỗn hợp NO1 – T6,7 Khu Ngoại giao đoàn, quân Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng đã yêu cầu rất rõ đối với Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội trong quá trình thi công cần thực hiện. Cụ thể:

“Quá trình thi công khống chế hành trình xe con, góc mở tay cần đảm bảo vật tư, thiết bị cầu lắp nằm trong phạm vi công trình. Trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, có ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận chỉ được phép hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kỹ thuật của cần trục tháp”.

Ngoài ra, Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng, vận hành cẩu tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội cũng nêu rõ:

“Trong quá trình thi công, nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cẩu tháp; trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động… chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng, tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện sự cố gây mất an toàn, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn…”.

Cần trục tháp ngang nhiên vượt quá phạm vi công trường vẫn hoạt động kể cả vào giờ cao điểm và không có đủ các hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông

Qua quan sát, dự án được xây dựng trên mảnh “đất vàng” tại trung tâm khu đô thị mới Ngoại Giao Đoàn, nơi có mật độ dân cư đông đúc và lưu lượng người tham gia giao thông đông. Tuy nhiên, cần trục tháp vượt quá phạm vi công trường vẫn hoạt động kể cả vào giờ cao điểm và không có đủ các hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông. Điều này khiến người tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống gần dự án cảm thấy bất an. Chẳng may nếu cần trục tháp xảy ra sự cố gì, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Mặc dù, quy định đã rõ ràng như vậy, thế nhưng nhà thầu thi công dự án vẫn ngang nhiên coi thường luật pháp cho vận hành cần trục tháp trong giờ “giới nghiêm” mà không hề có sự vào cuộc kiểm tra, xử lý nào từ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Bắc Từ Liêm. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang “phớt lờ” các quy định pháp luật?

Thùng chứa rác của dự án để chình ình giữa đường gây mất an toàn cho người tham gia giao thông

Như vậy, trong quá trình thi công Dự án Han Jardin, chủ đầu tư đã có biểu hiện vi phạm hàng loạt những quy định về Luật bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước và Luật an toàn lao động khi để cần trục tháp tung tăng vươn cánh tay sắt hoạt động vượt ra khỏi phạm vi công trình nhiều tháng nay mà vẫn không bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Có hay không sự buông lỏng quản lý, “bật đèn xanh” tạo điều kiện cho dự án hoạt động bất chấp các quy định pháp luật của chính quyền phường Xuân Tảo và các cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm?

Trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Xuân Tảo đến đâu trong vấn đề này?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Thủy Chi – Khánh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Lộ sáng hàng loạt sai phạm của Tổng công ty xây dựng Hà Nội tại Dự án Khu Ngoại Giao Đoàn