Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 2): Nguyên nhân đến từ đâu?

Thanh Hải|16/06/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Có rất nhiều nguyên nhân khiến thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở vùng núi tỉnh Quảng Nam, phải kể đến như sự xuống cấp của các công trình nước sinh hoạt, điều kiện thời tiết nắng nóng và nguồn tài nguyên rừng bị suy giảm ảnh hưởng tới chất lượng nước mặt, nước ngầm…

Cứ vào mùa nắng nóng, một trong những nỗi lo của người dân vùng núi tỉnh Quảng Nam là nhu cầu nước sinh hoạt, vậy nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu?

Nhiều công trình nước sạch ở các huyện miền núi Quảng Nam hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí

Khát bên công trình nước sạch

Thực tế cho thấy, những năm qua, Quảng Nam đã đầu tư, xây dựng hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho bà con miền núi. Tuy nhiên, sau một thời gian, các công trình này lại không phát huy được hiệu quả trong công tác cấp nước sạch cho người dân.

Tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, hơn 40 thôn đang phải dùng nguồn nước mặt được dẫn về từ các con suối để sinh hoạt tạm hằng ngày, với khoảng 1.000 hộ gia đình thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhiều công trình nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nguồn nước từ một số công trình chưa đảm bảo.

Toàn huyện có hơn 100 công trình nước sinh hoạt, trong đó chỉ có khoảng 10 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 10%; hơn 40 công trình hoạt động hiệu quả thấp hoặc hư hỏng không hoạt động, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Công tác quản lý, vận hành chủ yếu là các tổ quản lý công trình cộng đồng hưởng lợi, đứng đầu là các trưởng thôn, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình dẫn đến hoạt động hiệu quả chưa cao.

Riêng trong 6 đợt mưa lũ, ngập lụt năm 2021, trên địa bàn huyện Đông Giang có 3 công trình cấp nước sạch sinh hoạt bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 500 hộ gia đình. Lãnh đạo huyện Đông Giang cũng đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam lập kế hoạch sửa chữa 3 công trình hư hỏng với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.

Có công trình nước sạch nhưng người dân vẫn thiếu nước.

Trước đó, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Giang, đối với dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại thị trấn Prao, vào năm 2019, đại diện Công ty CP Cấp thoát King (Công ty King, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) có lên hiện trường để khảo sát, lập hồ sơ tại khu vực hệ thống cấp nước Prao (cũ) tại thôn Ka Đắp (xã A Rooi).

Đến ngày 21/2/2020, UBND huyện Đông Giang có Văn bản số 302 gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty King về việc cam kết hỗ trợ vốn từ ngân sách huyện để xây dựng nhà máy nước thị trấn Prao theo Nghị quyết số 180/2015 và Nghị quyết số 30/2018 của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, sau hơn một năm lên khảo sát, lập hồ sơ tại địa bàn, Công ty King vẫn chưa hoàn thành các thủ tục liên quan nên UBND huyện Đông Giang quyết định loại đơn vị này ra khỏi vị trí chủ đầu tư của dự án nhà máy nước thị trấn Prao, để tìm một đơn vị khách thay thế theo cơ chế kêu gọi đầu tư.

“Kể từ khi Công ty King lên đây khảo sát, lập hồ sơ nhưng không có kết quả, UBND huyện đến nay vẫn chưa tìm được chủ đầu tư khác để đầu tư vào dự án thị trấn Prao, khiến việc cấp nước sạch cho người dân đa phần là người đồng bào gặp khó khăn. Hơn 40 thôn trên địa bàn huyện đang phải dùng nguồn nước mặt được dẫn về từ các con suối để sinh hoạt hằng ngày.

Đây là những nguồn nước chưa qua xử lý do hệ thống đã cũ và có từ lâu. UBND huyện vẫn đang tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về đầu tư nhằm giúp người dân có nguồn nước sạch đảm bảo và ổn định trong thời gian đến”, đại diện UBND huyện Đông Giang, thông tin.

Ngoài dự án nhà máy nước Prao, dự án nhà máy nước xã Ba, xã Tư có tổng mức đầu tư 37,5 tỷ đồng, công suất 2.000 m3/ ngày đêm, đến nay vẫn chưa thể được triển khai do chưa có chủ đầu tư.

Trong những giải pháp bền vững và ổn định, địa phương này xác định, việc khoan giếng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, địa phương này sẽ đầu tư mỗi xã một công trình nước sinh hoạt, vừa đảm bảo đủ công suất, vừa có hệ thống lọc nước. Giai đoạn 2020- 2025, huyện Đông Giang sẽ phân kỳ đầu tư các công trình nước sạch ở các xã còn gặp khó như Kà Dăng, Sông Kôn, Jơ Ngây… từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước tại các khu dân cư.

Cháy rừng phòng hộ, an ninh nguồn nước bị đe dọa

Theo đại diện Thủy điện sông Bung 5 cho biết, việc cháy rừng phòng hộ ở gần khu vực Thủy điện Sông Bung 5 vào thời điểm cùng kỳ năm 2020 ở huyện Đông Giang chưa ảnh hưởng gì nhiều về nguồn nước. Nhưng về lâu về dài thì các hồ chứa của thủy điện bậc thang đều bị tác động. Vì đây là rừng phòng hộ đầu nguồn, là một trong những nơi giữ đất, trữ nước. Nói cách khác, rừng phòng hộ là nguồn nước dự trữ cho thủy điện và cả hệ thống sông Vu Gia. Hiện các hồ thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đã tích nước, điều hành đảm bảo nước sinh hoạt và tưới tiêu, nhưng cháy rừng diện rộng thế này thì mùa sau chắc chắn sẽ gánh hậu quả.

“Rừng cháy rồi thì không thể phục hồi được ngay trong vài năm. Vì vậy, rừng đầu nguồn có vai trò rất quan trọng về việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt rừng già” – đại diện Thủy điện sông Bung 5 nói.

Trong những năm trở lại đây thì rừng Quảng Nam đang suy kiệt nhanh bởi việc xây dựng đồng loạt nhiều nhà máy thủy điện, làm đường giao thông. Số ít những cánh rừng phòng hộ còn sót lại đầu nguồn có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nguồn nước cho các hồ thủy lợi, thủy điện, đảm bảo cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và cả nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân ở hạ du gồm các TP.Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn… Những vụ cháy rừng do dân gây ra thường xuyên xảy ra vào mùa nắng nóng nhưng chưa có giải pháp hạn chế.

Tây Giang thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn

Nhà máy nước sạch Tây Giang

Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở các con suối đầu nguồn ở Tây Giang cạn kiệt. Hàng trăm hộ dân ở trung tâm huyện lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt do nhà máy nước tự chảy không đủ sức phục vụ.

Lãnh đạo xã A Tiêng cho biết, nắng hạn kéo dài cộng với mùa bà con phát, đốt nương làm rẫy đã làm cho nhiều con suối cạn kiệt cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng hơn. Người dân ở đây đã phải mua nhiều can nhựa, thùng phi để chở nước từ các thôn khác về dùng. Nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày không đủ nên người dân phải tiết kiệm hết mức có thể.

Hiện các sông, suối ở nhiều xã của huyện Tây Giang đang trong tình trạng khô hạn. Một số thôn trên địa bàn xã Axan lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt như thôn Arâng, thôn Ganil, Tơrâm. Nắng hạn nhiều ngày làm hệ thống nước tự chảy ở đây hoạt động èo uột. Địa phương khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND huyện Tây Giang giao Ban Quản lý các dự án xây dựng và đô thị huyện khẩn trương khắc phục bằng các biện pháp cụ thể như, xây dựng lịch cấp nước theo ngày cho từng khu dân cư, tránh tình trạng xả nước trên diện rộng làm hao hụt nguồn nước. Ngoài ra có phương án dùng xe bồn vận chuyển nước cấp cho nhân dân. Huyện Tây Giang đã có kế hoạch đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng một nguồn nước dự phòng phục vụ cho cán bộ và nhân dân ở thôn Agrồng (A Tiêng). Tuy nhiên việc triển khai xây dựng hệ thống nước này sẽ mất nhiều thời gian.

Thanh Hải

Bài liên quan
  • Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 1): Thách thức bắt nguồn từ thiếu nước
    Moitruong.net.vn – Biến đổi khí hậu (BĐKH) cộng với sự suy giảm rõ rệt về nguồn nước làm gia tăng thêm tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt. Đây là thách thức lớn cho bảo đảm đời sống dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa phương trong cả nước. Thực trạng này càng trở nên bức thiết, cần sớm có phương án hữu hiệu đối với địa bàn vùng núi như 2 huyện Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 2): Nguyên nhân đến từ đâu?